Xấu hổ, nhục nhã với những đứa trẻ khát chữ và bức thư gửi Bộ trưởng Giáo Dục

Việc 155 em học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải thất học 2 năm nay do mâu thuẫn của ""những người lớn": chính quyền Hà Tĩnh và bà con dân nghèo trong di dời, tái định cư KKT Vũng Áng. Số phận 155 con người với tương lai mù mịt, không được ánh sáng khoa học rọi vào. Tương lai, không có gì bảo đảm họ trở thành những công dân có ích cho xã hội khi không được học hành chu đáo.





TẤM LÒNG CÔ GIÁO HẢI ĐƯỜNG
Về Đông Yên trao quà cho 155 học sinh thất học, tình cờ tôi lạc vào một lớp học.
Một lớp học cỏn con, giữa tiêu điều hoang sơ, và lạ lùng thay ở đó có một cô giáo.
Cô giáo ấy là Phan Thị Hải Đường, sinh năm 1986, ở Đô Lương, Nghệ An, tốt nghiệp khoa Anh văn, trường CĐSP NA.
Cô đã từng đi dạy hợp đồng, nhưng rồi thất nghiệp.
Nghe tin ở Đông Yên Kì Lợi xa xôi, có 155 em học sinh đang thất học đã 2 năm rồi, cô lên đường tìm vào.
Cô sống nhờ vào dân, ăn nhờ vào dân và mở một lớp học miễn phí dạy những đứa trẻ mòn mỏi trong cơn đói chữ.
Cô đã bị cản trở, bị đe dọa khi mở lớp học miễn phí "trái phép" này. Nhưng cô không chùn bước, và lớp học vẫn tồn tại...
Trong khi hàng vạn giáo sư tiến sĩ đang mải vẽ rồng vẽ rắn cho GD. Trong khi các cấp chính quyền đang đổ thừa cho nhau và ụp lên đầu dân cái nguyên nhân thất học của 155 đứa trẻ vô tội, thì Hải Đường vẫn cứ cặm cụi dạy chữ cho các em bé đói học đó.
Tôi cùng với hai người bạn hảo tâm và hai cháu nhỏ, từ TP lạc vào lớp học kì lạ này, nghe chuyện cô. Chúng tôi cầm lấy tay cô giáo và tôi thấy thật tủi hổ.
Và tôi cũng thấy nhục nhã...
Xấu hổ và nhục nhã với những đứa trẻ khát chữ ngoài kia.... Một người bạn bàn với tôi, sẽ giúp cô ấy một khoản tiền trợ cấp, nhưng tôi nói khoan đã. Có lẽ, thứ mà cô ấy cần nhất bây giờ, chưa hẳn đã là tiền.....
 Từ thầy Lê Quốc Châu, quỹ Áo Tơi. Xin được lẫy Kiều tặng cô:
"Hải Đường là ngọn đông lân
Giọt sương gieo nặng cành xuân la đà".

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Trân trọng những con người dấn thân lặng thầm vì trẻ thơ.

THƯA ÔNG BỘ TRƯỞNG BỘ GD (Thư ngỏ gửi Bộ trưởng bộ GD Phùng Xuân Nhạ)
Thưa ông Bộ trưởng !
Tôi là một giáo viên nghỉ hưu, hôm qua tôi đến Đông Yên Kì Lợi Kì Anh, để trao quà.
Biết ở Đông Yên có 155 cháu học sinh 2 năm nay không được đi học và đang thiếu ăn, bạn bè và học sinh cũ của tôi đã quyên góp sách vở và gạo, nhờ cậy tôi trao tặng các cháu.
Và tôi đã hoàn thành sự giao phó đó.
Thưa ông!
Hôm qua, gặp gỡ và trao đổi với các cháu học sinh, tôi biết các cháu đói ăn và đói cả học.
Các cháu đã dẫn tôi đến xem một lớp học nhỏ, để khoe với tôi cô giáo bí mật của các cháu
Cô giáo ấy là Phan Thị Hải Đường, sinh năm 1986, chưa lập gia đình. Cô quê ở Đô Lương, Nghệ An, tốt nghiệp khoa Anh văn, trường CĐSP NA.
Cô đã từng đi dạy hợp đồng, nhưng rồi thất nghiệp.
Nghe tin ở Đông Yên Kì Lợi xa xôi, đã 2 năm rồi có 155 em học sinh đang thất học, cô xin phép bố mẹ rồi lên đường tìm vào Kì Anh.
Phụ huynh đã mở ngay một lớp học để nhờ cô giúp con em họ.
Cô Hải Đường sống nhờ trong nhà dân, dân góp gạo nuôi cô. Cô dạy cho những đứa trẻ đói chữ đó, hoàn toàn miễn phí.
Và không thể tin được khi nghe cô giáo kể lại, là lớp học này đã bị nhà chức trách nhiều lần hạch sách và yêu cầu đóng cửa.
Thưa ông !
Chứng kiến những điều này, tôi thấy xấu hổ và nhục nhã. Xấu hổ trước cô giáo và nhục nhã với các cháu học sinh.
Vì vậy, tôi viết thư này cho ông, mong tìm sự đồng cảm, và cầu cứu sự giúp đỡ.
Ông ạ !
Tôi nhát gan, nên đã không lấy chữ kí của học sinh và của phụ huynh để gửi cho ông. Tôi cũng không bàn về lý do vì sao hàng trăm học sinh đã phải bỏ học. Chắc ông cũng thấy, những điều đó không cần thiết.
Không cần thiết bởi vì, dù với bất cứ lý do gì, cũng không ai được phép kéo dài tình trạng thất học của các cháu học sinh Đông Yên lâu hơn nữa. Cũng như, không ai được phép cản trở việc giúp đỡ người nghèo, không ai được phép cản trở việc dạy chữ cho những học sinh đang đói học.
Những việc làm trái đạo lý đó, là ngược với mong muốn của Bác Hồ và chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Ông là tư lệnh của ngành giáo dục, học sinh và phụ huynh ở Đông Yên mong mỏi ở ông một sự cứu giúp. Còn tôi, mong ở ông một sự sáng suốt.
Với hy vọng ở ông một sự đồng cảm, tôi chúc ông sức khỏe.
Hương Sơn ngày 30/5/2016
Trần Đình Trợ.

  
Trong hai năm học vừa qua, có rất nhiều lớp học tự phát được mở ra tại KKT Vũng Áng. Thầy cô giáo là những người rất đặc biệt. Có người ở tận bên Nghệ An sang. Có những thầy cô giáo là các anh chị lớp trên bày cho các em lớp dưới đang thất học. Chính quyền thì cho rằng những lớp học này sai, không đúng quy định; trong khi đó, trẻ em vô tội, ngơ ngác, cần chữ. .

CHỦ TỊCH UBND TỈNH ĐẶNG QUỐC KHÁNH HỨA GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM, SỚM ĐƯA 155 HỌC SINH TX.KỲ ANH TRỞ LẠI TRƯỜNG TRONG NĂM HỌC TỚI.
Việc 155 em học sinh thôn Đông Yên (xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phải thất học 2 năm nay do mâu thuẫn của ""những người lớn": chính quyền Hà Tĩnh và bà con dân nghèo trong di dời, tái định cư KKT Vũng Áng. Số phận 155 con người với tương lai mù mịt, không được ánh sáng khoa học rọi vào. Tương lai, không có gì bảo đảm họ trở thành những công dân có ích cho xã hội khi không được học hành chu đáo.
Câu chuyện người dân Đông Yên đi tái định cư là một câu chuyện dài và phức tạp. Ai đúng, ai sai là câu chuyện của người lớn với nhau. Chúng tôi có thể sơ lược mấy ý: người dân yêu cầu chính quyền trả lời việc lấy đất thôn Đông Yên để làm gì, đã có dự án nào vào đây chưa? Chính quyền chưa trả lời hoặc trả lời chưa thấu đáo. Dân vẫn phải đi tái định cư trong lúc thông tin chưa minh bạch, rõ ràng. Vì thế, 155 em học sinh các cấp buộc phải lên trường học ở Khu tái định cư Kỳ Lợi cách thôn Đông Yên khoảng hơn 25 km để học. Chính quyền có cho xe bus đưa đón. Nhưng người dân cho rằng, trẻ em mầm non, mẫu giáo không thể đi xe bus được. Cha mẹ học sinh có nguyện vọng xin cho con em họ học tại điểm trường TH-THCS Kỳ Lợi đóng tại thôn Hải Thanh các đó 3km nhưng không được sự đồng ý. Thế là, họ cho con em bỏ học ở nhà, tự mở các lớp học, anh chị học lớp trên bày cho các em lớp dưới và vẫn bị gây khó dễ trong việc mở lớp tự phát.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột độ, nhân dân ta, ai cũng có cơm ăn áo mặc, trẻ em ai cũng được học hành”. Vì thế, nguyện vọng của 155 học sinh, của các bậc cha mẹ học, thiết nghĩ là chính đáng, phù hợp với đường lối, chủ trương của đảng, pháp luật của nhà nước. Luật bảo vệ bà mẹ và trẻ em, Luật giáo dục, và trên hết, Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cũng quy đinh quyền trẻ em được học hành, được nhà nước tạo điều kiện tốt đẹp nhất.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, thầy Lê Song Hào- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kỳ Lợi - cho biết, chúng tôi đã cho giáo viên về vận động nhiều lần, Thị xã cũng cho xe bus đưa đón nhưng phụ huynh không cho các em đi học vì quãng đường quá xa. Ông Phan Duy Vĩnh-Phó Chủ tịch UBND Thị xã Kỳ Anh- cam kết, chúng tôi sẽ cân đối lại để tạo điều kiện cho các em đi học trở lại.
Ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh- nói: “Tôi đã giao cho Sở GD&ĐT, Thị xã Kỳ Anh họp bàn, giải quyết, sớm đưa các em trở lại trường học trong năm học tới đây”.
Việc 155 học sinh thôn Đông Yên xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh phải lên học ở điểm trường khu tái định cư Kỳ Lợi cách nhà 25 km là rất xa, đặc biệt là với các trẻ mẫu giáo, mầm non. Trong khi đó, điểm trường ở thôn Hải Thanh cách thôn Đông Yên chỉ khoảng 3 km thì chính quyền không cho vào học. Vì tương lai con em chúng ta, chính quyền cần lắng nghe, tạo điều kiện tốt nhất, đồng thời, các bậc cha mẹ học sinh cần hợp tác với chính quyền để sớm đưa các em trở lại trường học. Mọi việc đều có hướng giải quyết...
Tuy nhiên đã hơn 2 tháng sau lời hứa vẫn không có một động tĩnh nào từ phía chính quyền mặc dù đã có nhiều thúc ép từ rất nhiều nhà hoạt động xã hội. Và sự việc ngày 4/7/2016 dân Đông Yên đã nổ ra biểu tình của học sinh và gia đình tại trường THCS Kỳ Lợi và UBND Kỳ Lợi để đòi quyền hiến định được học hành là điều không thể tránh khỏi.
 
TIN LIÊN QUAN:
 


Thầy Lê Quốc Châu viết:
Dòng đời ngược xuôi, Chúa ơi con biết về đâu? Dân Áo Tơi chỉ biết cầu nguyện cho 155 trẻ em Đông Yên (Thị xã Kỳ Anh-Hà Tĩnh) bị gạt ra khỏi trường học sớm được trở lại trường học theo quyền lợi chính đáng của các em đã được ghi rõ ràng trong Hiến pháp và Luật giáo dục.
Thưa các em! Anh đã cùng các nhân sĩ, trí thức, các nhà hảo tâm, những người có lương tri cố gắng nhiều lắm rồi. Anh mong có nhiều hơn nữa, các luật sư, nhà báo, các nhà hảo tâm giúp đỡ các em về vật chất, đặc biệt là nâng đỡ các em về tinh thần trong biến cố đau thương ở ngay những năm tháng vào đời.

Lúc này, anh lại nhớ đến bài giảng của thầy anh năm xưa về thơ Huy Cận: "Đau đời nhưng có cứu được đời đâu?" Các em ạ! Anh phải biết làm sao?
Không có nơi nào trên mãnh đất Hà Tĩnh này cái chữ đắng như ở Đông Yên. Không có nơi nào trên đất nước này, việc học của con trẻ lại trở thành "con tin" để đánh đổi, để đấu đá giữa chính quyền và người dân.Chính quyền thì nhất định bắt trẻ con đi học xa trong khi thực tế trường gần nhà còn thừa phòng. Cha mẹ thì vì quyền lợi của mình mà quyết không cho con trẻ lên tái định cư học.Phòng giáo dục không biết vì lý do gì, vì sợ trên hay vì quyết tâm chính trị mà tham mưu sai, thiếu nhân văn, không xứng với bổn phận̉ làm thầy, làm quan giáo dục. Sở giáo dục và đào tạo thì không hiểu vì lý do gì im lặng trong suốt hai năm qua để 155 đứa trẻ con thất học. Các cơ quan, đoàn thể khối dân ở đâu không thấy lên tiếng?
Không lẽ chỉ một anh giáo làng cất tiếng kêu lạc lỏng, yếu ớt trong hoang địa? Không lẽ sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi? Không lẽ câu nói của Vũ Trọng Phụng còn nguyên giá trị:" xã hội chó đểu"?
Không lẽ chỉ một anh giáo làng cất tiếng kêu lạc lỏng, yếu ớt trong hoang địa? Không lẽ sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi? Không lẽ câu nói của Vũ Trọng Phụng còn nguyên giá trị:" xã hội chó đểu"?


 


Bài viết, ảnh: Thầy Trần Đình Trợ, thầy Lê Quốc Châu
Ảnh: Nguyễn Xuân Lộc
Người Kỳ Anh

CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh