Ông Phan Văn Thi - ở xã Kỳ Sơn là một chiến sỹ kiên trung cùng đồng đội với anh hùng liệt sỹ Phan Đình Giót năm xưa, người đã từng tham gia 2 cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc.
Tuy đã ở cải tuổi xưa nay hiếm nhưng trông ông vẫn còn nhanh nhẹn, hoạt bát. Khi nghe chúng tôi hỏi về ký ức một thời trận mạc, đôi mắt ông như sáng bừng lên khi nhớ về một thời oanh liệt. Ký ức hơn 60 năm qua vẫn vẹn nguyên, tươi trẻ trong tâm khảm những người lính Cụ Hồ năm xưa đã làm nên một chiến thắng Điện Biên "Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Cuộc đời của những người lính già như ông năm ấy, đến bây giờ, vẫn là một tấm gương cho thế hệ hôm nay soi vào, để thấy mình được sáng trong hơn.
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở miền sơn cước, mới 17 tuổi, nhưng ông đã khai thêm tuổi đi xin nhập ngũ. Sau khi cho chúng tôi xem cuốn lý lịch quân nhân và những tấm ảnh một thời gian khổ hào hùng ấy. Ông nhớ như in vào cái ngày 5-1/ 1952, ông đã được gia nhập cùng tổ của anh hùng Phan Đình Giót thuộc đại đội 58, tiểu đoàn 428 trung đoàn 141 sư đoàn 312 tham gia các chiến dịch Him Lam, Tây Bắc, Thượng Lào, đánh vào sân bay Mường Thanh Điện Biên Phủ.
Ông bồi hồi nhớ lại, những tháng ngày gian khổ và vui tình cảm nhất là cùng ở với tổ đội anh hùng liệt sỹ Phan Đình Dót có 3 người gồm Phan Đình Dót, ông và chiến sỹ Lê Xuân Bốn. tổ ba người luôn coi nhau như bố con, ông ít tuổi hơn là con út. Mỗi lần đi lấy gạo bố đều mua kẹo về cho các con và ngược lại. Sau chiến dịch Him Lam, anh hùng Phan Đình Dót đã hy sinh cùng với các chiến sỹ khác, ông cùng hai đồng đội nữa may mắn được sống sót. Qua những câu chuyện mà ông Thi kể, phần nào tôi hiểu được sự hy sinh gian khổ không gì sánh nổi của những chiến sĩ Điện Biên năm xưa. Và chính họ đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc Việt Nam và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới....
Đầu năm 1954, sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập đơn vị bảo vệ Trung ương Đảng, ông là một trong 600 chiến sỹ được bổ sung vào lực lượng vũ trang thuộc Trung đoàn 600 có nhiệm vụ bảo vệ Bắc Bộ Phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiến sỹ bảo vệ và Bác đều ở cùng một chỗ, không có giường, chiến sỹ phải nằm dưới đất, thế mà ông và đồng đội của ông đều cảm thấy hạnh phúc vì được gần Bác.
Thời gian được đứng trong hàng ngũ những người lính được bảo vệ cơ quan đầu não của Trung ương, ông Thi đã may mắn được ở gần Bác Hồ. 10 năm được tham gia bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Người là niềm vinh dự lớn nhất và là niềm tự hào của biết bao người lính cụ Hồ trong đó có ông Phan Văn Thi. Với những ngày trong quân ngũ được làm làm lính bảo vệ Bác Hồ là thời gian có ý nghĩa nhất trong cuộc đời ông.
Năm 1962, ông được cử đi học cơ yếu ở Hải Phòng và chuyển vào vào công tác tại Đồn Biên Phòng tỉnh Quảng Bình, sau đó đi B ở vùng an ninh giải phóng tỉnh Khánh Hoà tiếp tục tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30-4-1975). Trải qua bao năm tháng chiến đấu gian khổ, ông đã bị thương tật hạng 4/4 và ông về nghỉ dưỡng nơi quê nhà vào năm 1978.
Cuộc đời ông Phan Văn Thi gắn với đời binh nghiệp, với những nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả, bất cứ công việc nào được cấp trên giao phó ông cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bao năm trận mạc trở về đời thường nhiều người khuyên ông nên nghỉ ngơi dưỡng già, nhưng vốn là con người của công việc nên ông Thi tiếp tục tham gia công tác ở địa phương và đảm đương nhiều cương vị như: chủ tịch MTTQ xã, hội trưởng bảo thọ ( nay là hội người cao tuổi) , đội trưởng sản xuất … ở cương vị nào ông cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Điều đáng quý ở ông là luôn vì cái chung, không bao giờ tơ hào cho cá nhân mình. Ông nói: "Đảng viên phải đi trước, làng nước mới theo sau, lời nói phải đi đôi với việc làm, tránh tình trạng nói một đằng làm một nẻo...".
Trong cuộc sống đời thường, ông Phan Văn Thi luôn quan tâm đến những người xung quanh, sống có nghĩa tình với làng xóm. Thời gian qua, ông đã làm được rất nhiều việc bằng chính nỗ lực của bản thân như: Hòa giải, vận động bà con giữ mối đoàn kết gắn bó, tương trợ giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Cuộc đời giản dị không tư lợi bản thân. Những phần thưởng vô giá mà một người lính có được đó là những Huân chương chiến sỹ vẻ vang hạng nhất, hạng nhì, hạng 3, Huân chương chiến thắng Điện Biên Phủ, và huy hiệu 55 năm tuổi Đảng. Với ông đó là những kỷ vật vô giá mà một đời trai trẻ đã có được bằng, mồ hôi, nước mắt và cả máu xương nữa.
Giờ đây, cuộc sống thanh bình của tuổi già với con cái trưởng thành, các cháu chăm ngoan học giỏi đã giúp ông Phan Văn Thi thêm vui, khoẻ, sống có ích cho gia đình và xã hội. Những người lính cụ Hồ năm xưa như ông luôn là chỗ dựa tinh thần , là niềm tự hào cho gia đình con cháu mai sau.
Có thể nói, 82 tuổi đời, 55 năm tuổi Đảng, ông Phan Văn Thi vẫn còn mạnh khỏe, minh mẫn, mắt sáng, lòng trong, vẫn tham gia sinh hoạt đều đặn ở địa phương, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới. ông là tấm gương sáng để con cháu noi theo học tập. Đây cũng là điều ông Phan Văn Thi đang làm cho đến cuối đời, chỉ với một điều đã được khắc cốt ghi tâm từ những ngày đầu làm người lính, để mãi xứng danh là anh “Bộ đội cụ Hồ"
Quỳnh Nga- Anh Tuấn
Người Kỳ Anh