Từ Đông Yên, Hoà Lộc... đến những suy nghĩ và ý tưởng.



Những câu chuyện đau lòng ở Đông Yên, Hoà Lộc...và trên cả nước.
Khi chính quyền dùng luật "cướp đất" của dân (bồi thường với giá rẻ mạt?)  Khi những lời hứa sau khi mất tư liệu sản xuất chỉ là lời hứa hão.


Hình ảnh cắt từ clip sự việc ở Đông Yên ngày 17/3/2015
Bây giờ người dân cũng không biết làm gì ngoài băng rôn khẩu hiệu, đơn thư đến các cơ quan, biểu tình xô xát với chính quyền phản đối... thấy rằng, người dân đã mất hết niềm tin, đã bất lực, không còn chỗ dựa nào. Luật sư, trí thức, những con người có lương tri từ chối giúp đỡ nữa thì họ biết dựa vào đâu?

Vấn đề quan trọng nhất là phải đòi cho được quyền sở hữu đất đai, xoá bỏ hình thức sở hữu toàn dân... và đòi cho được quyền phúc quyết toàn dân.

 Đất đai là sở hữu toàn dân và do nhà nước quản lý. Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã tái khẳng định chế độ sở hữu toàn dân với quy định tại Điều 53: “Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Lập luận lập lờ này chỉ là một cách lấp liếm của một sự lờ mờ cố tình bằng trò đánh đu câu chữ để “người ta” đạt được mục đích chính là chiếm hữu tuyệt đối những gì không thuộc về họ.

Nội khái niệm “sở hữu toàn dân” đã là không bình thường khi trong thực tế nó là vấn đề liên quan sở hữu cá thể; và khái niệm “Nhà nước đại diện chủ sở hữu” lại càng tinh vi hơn khi “nhà nước” có thể được hiểu là cơ quan quản lý tài nguyên quốc gia mà cũng có thể được hiểu là một “ông” chủ tịch xã hay “đ/c” bí thư huyện nào đó. Có thể nghe chối tai khi nói “nhà nước là “ông” chủ tịch tỉnh” nhưng cũng chẳng mấy khác thường khi nói "ông chủ tịch tỉnh là nhà nước” hoặc “đại diện nhà nước”.

 Điều đó dẫn đến việc lộn xộn trong phân cấp quản lý và “phân cấp sở hữu”, dẫn đến khả năng vô hiệu hóa sự kiểm soát của nhà nước trung ương trong nhiều trường hợp, trong khi quyền định đoạt sở hữu lại nằm gọn trong tay nhà nước địa phương. Nó tạo ra lãnh chúa và sự chia chác thống trị của lãnh chúa với các thế lực kinh tế mang màu sắc giang hồ.

Người nông dân là lực lượng yếu thế, không ai bảo vệ, còn chính quyền thì chăm chăm bảo vệ quyền lợi cho Nhà nước, cho các tập đoàn, cho cả tư bản nước ngoài. Điều này, cuối cùng, sẽ làm “nhà nước” mạnh hơn hay yếu hơn?

Hình ảnh ở Hoà Lộc, chính quyền ở thế đối lập với người dân.
Người dân thôn Hòa Lộc, xã Kỳ Trinh đã lên tiếng phản đối dự án đường dây điện 500 KV đi qua thôn dẫn về KCN Vũng Áng, vì khi thi công dự án này, nhà đầu tư chưa đền bù thỏa đáng cho người dân, đường điện đi qua gần khu dân cư có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân, và trong lúc thi công sẽ làm hại cánh đồng lúa đang trong thờ kỳ làm đòng, cánh đồng lúa là tất cả của người nông dân, họ đang sống tất cả nhờ vào đó.
Hình ảnh ngày 6/4/2015 ở giáo xứ Dũ Lộc - Hòa Lộc, người dân bị thương khi chống đối chính quyền.

Thiết nghĩ đội ngũ trí thức Kỳ Anh nên góp tiếng nói từ lương tâm và trách nhiệm giúp những con người yếu thế hơn là một suy nghĩ họ là những kẻ cứng đầu, tham tiền, chỉ biết nghĩ trước mắt, không biết hi sinh một chút quyền lợi cá nhân vì sự phát triển của đất nước.


Diễn biến nóng ngày 17/3. Giải phóng mặt bằng tại giáo xứ Đông Yên. Video được quay bởi người dân và cả bên chính quyền.

HDHKyAnh xin chia sẻ ý tưởng thành lập nhóm các Luật sư để trợ giúp "Dân oan". Đến nay, người dân thì ủng hộ, giới luật sư đã có nhiều người hưởng ứng, chính quyền thì đã lo ngại và luật sư Tran Thu Nam đã nhận được điện thoại từ chính quyền. Xin chi tiết để mọi người biết về ý tưởng như sau:

1. Nguồn gốc của ý tưởng

- Ở nhiều nước Châu Âu, mỗi Luật sư phải dành ra một khoảng thời gian để trợ giúp pháp luật miễn phí cho người dân và điều này là bắt buộc. Nhiều nước có văn phòng luật sư công, người nghèo không có tiền thì đến các Văn phòng này và nhà nước sẽ trả tiền. Có nước giầu như Na uy thì 100% các vụ án hình sự phải có luật sư và nhà nước trả tiền toàn bộ.

- Ở VN, Số lượng luật sư trên đầu người chưa cao so với các nước. Chưa có việc bắt buộc các luật sư phải dành thời gian trợ giúp pháp lý miễn phí. Ở cấp Bộ thì có Cục trợ giúp pháp lý của Bộ tư pháp, tỉnh thành thì có các Trung tâm trợ giúp pháp lý thuộc sở tư pháp. Các đối tượng được trợ giúp pháp lý là người nghèo, người dân tộc thiểu số (theo Luật trợ giúp pháp lý). Hội luật gia cũng mở các trung tâm trợ giúp pháp lý. Đoàn luật sư TP. HN cũng tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý di động. Gần đây, còn xuất hiện Trung tâm bảo trợ pháp lý cho người nghèo. Nhưng về kết quả của tất cả các tổ chức hỗ trợ pháp lý này thế nào tôi không dám đánh giá, hãy để người dân tự đánh giá. Tôi thấy rất nhiều bài báo nói về luật sư tham gia trợ giúp pháp lý ở phiên toà hầu như chỉ ngồi để có, đủ thành phần theo luật, chất lượng khỏi nói.

- Đối tượng cận nghèo hầu hết không được tiếp cận với các dịch vụ pháp lý, chưa có thống kê có bao nhiêu vụ án, vụ khiếu kiện hành chính có luật sư tham gia. Chắc chắc là rất ít.

- Tuy nhiều cơ quan trợ giúp pháp lý cho người dân, nhưng thực sự nhu cầu rất lớn. Nhân dân đi khiếu nại, khiếu kiện ngày một tăng. Nhiều đoàn từ các tỉnh xa đã đổ về HN để khiếu kiện, họ ăn ngủ tại các nơi tiếp dân của Thanh tra Chính Phủ, của TW Đảng, họ mặc quần áo có chữ viết kêu cứu, mang băng rôn, khẩu hiệu đi biểu tình ở các nơi. Một điều đau lòng nữa là những đứa trẻ đi theo bố mẹ chúng để khiếu kiện, không học hành, không dịch vụ y tế, không có tuổi thơ vui vẻ như bao đứa trẻ khác. Một câu hỏi lớn đã đặt ra, các cơ quan nhà nước, các cán bộ có trách nhiệm đã làm thế nào để nhân dân phải đi khiếu kiện ngày càng đông, chả nhẽ tất cả những người khiếu kiện này là sai hết?

- Đây là lúc cần các luật sư vào cuộc để trợ giúp nhân dân, hãy trợ giúp họ trong việc khiếu kiện đúng pháp luật, đấu tranh bằng con đường pháp lý. Nếu mọi việc được giải quyết đúng pháp luật thì người dân sẽ bớt phải phơi sương, giãi nắng để ngày ngày đi biểu tình, những đứa trẻ không phải ăn bánh mì, được mặc những bộ đồng phục học sinh thay cho những bộ quần áo toàn chữ viết giống như bố mẹ của chúng.

- Tại sao các Luật sư vẫn còn e ngại? Có lẽ chúng ta quá ích kỷ, quá dửng dưng với đồng bào của mình chỉ bởi hai chữ nhạy cảm? Nếu ai muốn biết động cơ mục đích của ý tưởng thì đây là câu trả lời.

2. Nhóm Luật sư

Đã có e ngại việc một số luật sư thành lập hội, nhóm trái pháp luật mà nhà nước không quản lý được, sợ các LS này lại giúp cho các "Thế lực thù địch" để kích động bà con.
Nhân đây, tôi cũng giải thích như sau:

- Thứ nhất, tôi quan niệm "Thế lực thù địch" là những thế lực đi ngược lại lợi ích của nhân dân, các thế lực đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất;

- Thứ hai, "Nhóm các luật sư" ở trong ý tưởng của tôi không có tổ chức, không có người đứng đầu, không có quỹ, không nhận tiền từ "Các thế lực thù địch". Đơn giản chỉ là các luật sư chia sẻ kinh nghiệm, chia sẻ công việc, chia sẻ trách nhiệm với xã hội, hỗ trợ nhau trong quá trình giải quyết công việc giúp "Dân oan". Các Luật sư hoạt động độc lập, đúng pháp luật, đúng đạo đức và đúng lương tâm nghề nghiệp. Không vi phạm điều cấm của pháp luật như xúi giục, kích động người dân.

Vậy, các cơ quan chức năng đáng nhẽ phải động viên chúng tôi thay vì phản đối hoặc e ngại. Hãy quan sát để thấy rõ mọi việc tốt đẹp, nhìn sự vật hiện tượng bằng cái nhìn lương thiện hơn.

3. Nguồn hoạt động

Các luật sư sẽ không nhận tiền trực tiếp của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào tài trợ ngoài những người đến nhờ Luật sư. Nếu các nhà hảo tâm trong và ngoài nước muốn giúp đỡ thì hãy gửi trực tiếp cho những người nghèo, người cần trợ giúp pháp lý không có điều kiện. Nếu nhiều Luật sư tham gia trợ giúp miễn phí thì gánh nặng sẽ giảm bớt, nhiều người nghèo sẽ được tiếp cận các dịch vụ pháp lý. Chúng tôi rất muốn trợ giúp cho nhiều người, nhưng chúng tôi không tham vọng sẽ đám ứng được tất cả. Nếu không trọn vẹn, không đáp ứng được nhiều thì cũng mong thông cảm bởi chúng tôi còn nhiều gánh nặng khác như VPLS phải tồn tại và gia đình phải tồn tại được thì mới trợ giúp được.
Kính mong các luật sư, các nhà hảo tâm trợ giúp, đồng hành.
Trân trọng!
TTN
♢  CHI TIẾT VỀ Ý TƯỞNG TRỢ GIÚP DÂN OAN

#kyanhtien
HỘI ĐỒNG HƯƠNG KỲ ANH


CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh