TIN VUI ĐÔNG YÊN: Sau biểu tình, 155 học sinh đã được đến trường

Hôm nay, thứ Sáu, 8/7/2016 155 em học sinh Đông Yên (Kỳ Lợi - Thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh) được đi học trở lại sau 2 năm thất học. Các cháu sẽ được học tại 2 địa điểm:
- Cấp 2 học tại trường cũ (THCS Kỳ Lợi)
- Cấp 1 tạm thời học ở Hội quán, trường mầm non trong xã.

"Chúng con rất muốn đến trường"...Biểu tình ngày 4/7/2016


 Cha ông ta đã dạy: "Con khóc mẹ mới cho bú". Mác nói: "Hạnh phúc là đấu tranh". Đấu tranh để giành lấy và giữ lấy hạnh phúc.

Xin chúc mừng các em đã được quay lại trường học. Từ nay các em tiếp tục được hưởng một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam.

Từ thầy Lê Quốc Châu, Quỹ Áo Tơi là người có tiếng nói và hành động mạnh mẽ thúc ép chính quyền phải giải quyết sự việc. Xin gửi lời cảm ơn đến:
- Các cơ quan truyền thông trong và ngoài nước;
- Các nhà hảo tâm gần xa;
- Các nhà tranh đấu thiện chí, đúng với chủ trương, đường lối, pháp luật Việt Nam;
- Các nhà cầm quyền đã mở rộng lương tri;
- Các bậc cha mẹ học sinh đã đặt việc học của các em lên trên hết.

Chính quyền thị xã Kỳ Anh vừa cam kết sẽ cho phép 155 em ở Đông Yên, Kỳ Lợi đi học trở lại sau hai năm không được đến trường. 


Hôm nay sẽ là ngày đầu tiên trong khóa học hè để ôn tập lại các kiến thức mà các em đã hụt mất trong 2 năm vừa qua. Trường học gần đó hiện đang được sửa chữa lại để có thể đón các em quay lại vào năm học mới.

Tuy vậy, vẫn còn đó mối lo rằng vì hoàn cảnh kinh tế khốn khó của gia đình vì biển đã chết mà tới đây có thể nhiều em sẽ phải nghỉ học, ngay cả khi được phép quay trở lại trường.

Ngoài ra, sẽ không ổn chút nào nếu không có ai bị truy cứu trách nhiệm khi đã để tình trạng này xảy ra. Không phải chỉ 1, 2 em mà là 155 em KHÔNG ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG trong vòng 2 năm dài đằng đẵng.

Xâm phạm quyền học tập của trẻ em phải được coi là vi hiến, một tội hình sự, vì nó chẳng những tước bỏ cơ hội được giáo dục của các em mà còn gián tiếp tạo ra những nguy cơ bất ổn cho xã hội từ việc trẻ em bị đặt ra bên lề xã hội.

Trong hơn hai năm qua câu chuyện người dân Đông Yên đi tái định cư là một câu chuyện dài và phức tạp. 

Ai đúng, ai sai là câu chuyện của người lớn với nhau. Chúng tôi có thể sơ lược mấy ý: người dân yêu cầu chính quyền trả lời việc lấy đất thôn Đông Yên để làm gì, đã có dự án nào vào đây chưa? đền bù đã thoả đáng chưa? Chính quyền chưa trả lời hoặc trả lời chưa thấu đáo. Dân vẫn phải đi tái định cư trong lúc thông tin chưa minh bạch, rõ ràng. Vì thế, 155 em học sinh các cấp buộc phải lên trường học ở Khu tái định cư Kỳ Lợi cách thôn Đông Yên khoảng hơn 25 km để học. Chính quyền có cho xe bus đưa đón. Nhưng người dân cho rằng, trẻ em mầm non, mẫu giáo không thể đi xe bus được. Cha mẹ học sinh có nguyện vọng xin cho con em họ học tại điểm trường TH-THCS Kỳ Lợi đóng tại thôn Hải Thanh các đó 3km nhưng không được sự đồng ý. Thế là, họ cho con em bỏ học ở nhà, tự mở các lớp học, anh chị học lớp trên bày cho các em lớp dưới và vẫn bị gây khó dễ trong việc mở lớp tự phát.


Video: Buổi khai giảng tự phát, lớp học tự phát, học sinh, giáo viên, phụ huynh và chính quyền đã làm gì trong 2 năm vừa qua!

Trao đổi thầy Lê Song Hào- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Kỳ Lợi - cũng công nhận và cho biết, chúng tôi đã cho giáo viên về vận động nhiều lần, Thị xã cũng cho xe bus đưa đón nhưng phụ huynh không cho các em đi học vì quãng đường quá xa.

Nhiều thông tin cho hay giáo viên đến vận động phu huynh cho học sinh đi học nhưng người dân đã tỏ thái độ phản đối và có những hành động không thể chấp nhận được. Cần phải hiểu rõ bản chất của vấn đề này: Chúng ta không thể đòi hỏi người dân cư xử văn minh với ngay cả giáo viên khi nghe theo lệnh của chính quyền hay theo tiếng nói lương tâm đến vận động phụ huynh những điều nằm trong điểm cốt yếu mà họ phản đối. Nếu họ đồng ý cho trẻ đi lên khu tái định cư học thì chẳng xảy ra chuyện này. Nhà học sinh gần ở trường nào thì cho học sinh học ở đó, khi vận động theo hướng đó, chắc rằng sẽ có kết quả khác.

Về phía chính quyền, cần phải hiểu điều cốt lõi: CHÍNH QUYỀN LÀ ĐẦY TỚ, LÀ KẺ PHỤC VỤ. Nếu gần nhà học sinh không có trường thì phải mở trường, đưa giáo viên đến dạy, vì đó là quyền của trẻ em, chính quyền phải đảm bảo điều mình đã kí với Liên Hợp Quốc. Còn nếu CÓ TRƯỜNG GẦN NHÀ MÀ TRƯỚC BỌN TRẺ VẪN HỌC Ở ĐÓ, THÔN BÊN CẠNH VẪN HỌC Ở ĐÓ, MÀ TỪ 2 NĂM NAY CẤM TRẺ ĐÔNG YÊN THEO HỌC, thì không ai không nghĩ rằng chính quyền Hà Tĩnh phải di dời hết dân Đông Yên đi là để ưu tiên cho FORMOSA (mục đích chính GPMB không phải là lấy đất mà là lấy mặt biển cho tàu formosa đi lại). Bây giờ nhà học sinh ở đâu cho học sinh học ở đấy, đồng nghĩa với việc không thể GPMB, chỉ cho học sinh học ở khu tái định cư, chính là lấy việc học của trẻ để ép dân. Đó là cái khó của chính quyền khi sa bút kí hợp đồng với formosa.

Tuy sắp đến năm thứ 3 thất học, đã hơn 2 tháng sau lời hứa của vị chủ tịch trẻ nhất nước vẫn không có một động tĩnh nào từ phía chính quyền mặc dù đã có nhiều thúc ép từ rất nhiều nhà hoạt động xã hội. Và sự việc ngày 4/7/2016 dân Đông Yên đã nổ ra biểu tình của học sinh và gia đình tại trường THCS Kỳ Lợi và UBND Kỳ Lợi để đòi quyền hiến định được học hành là điều không thể tránh khỏi.

Vậy là sau các lời kêu gọi, báo chí, dư luận, và các cuộc biểu tình thì chính quyền đã chịu nhượng bộ. Anh Hoa, một người dân tại địa phương chia sẻ thông tin rất thú vị là rút kinh nghiệm những lần trước địa phương hứa suông, trong cuộc biểu tình ngày 4 tháng 7 vừa qua bà con đã yêu cầu cán bộ phải có cam kết bằng văn bản việc cho các em đến trường trở lại. Buổi học hôm nay là làm theo đúng cam kết với bà con.

Người Kỳ Anh

CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh