Những tấm thân khỏe mạnh bên rú cát cứ chôn chân trong cát, không mưu sinh được, nhìn con cái đến bữa học chữ họ lại rầu, bất lực vô biên. Cứ nói đến con chữ là họ lo lắng, sợ sệt. Nhiều gia đình trong đó chắc chắn con họ thất học, nhiều gia đình cố lắm cũng khó để con tựu trường đủ đầy như mọi năm.
Đời cát đắng cay.
Biển chết, bố thất nghiệp, con thất học.
Tại kỳ họp mới đây của UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh Quảng Trị - đã nêu ý kiến rằng, cần miễn giảm học phí cho con em 16 xã vùng biển của địa phương, bởi lý do: “Hơn 4 tháng nay, từ đánh bắt hải sản đến buôn bán và các loại hình dịch vụ ở vùng biển Quảng Trị có hoạt động được đâu”.
Nhìn thấy những khó khăn mà học sinh ở địa phương đang gặp phải, những ngày này MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Trị đang nỗ lực kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí để giúp đỡ những gia đình ngư dân khó khăn, cần được giúp đỡ để con em họ có thể đến trường. “Phải miễn hẳn học phí trong năm học 2016-2017 này cho học sinh cấp Mầm non đến THPT ở 16 xã vùng biển của tỉnh Quảng Trị. Nếu không có chính sách này, việc học của những đứa trẻ vùng biển có thể bị đứt đoạn, sau đó sẽ càng khó khăn hơn” - ông Nguyễn Hữu Dũng cho hay.
Trả lời câu hỏi, vào năm học mới này, Hà Tĩnh có xem xét, thực hiện miễn, giảm học phí cho con em ngư dân bị thiệt hại vì thảm họa môi trường biển hay không, ông Đặng Quốc Khánh - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, tỉnh đã trình mức học phí năm học mới cho HĐND tỉnh.
“Khi xảy ra thiên tai, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc vùng bị thiên tai”, đó là quy định tại khoản 1, Điều 9 của Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Để xác định mức độ và phạm vi thiệt hại, Nghị định 86 giao cho UBND cấp tỉnh xem xét. Cho nên, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa có chủ trương cụ thể về chính sách miễn giảm đối với học sinh, sinh viên các tỉnh miền Trung mất nguồn thu từ nghề biển. Dân của địa phương nào, quan của địa phương đó biết.
Vụ cá chết ở 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế là thiên tai hay nhân tai? Quá dễ trả lời vì đã xác định Formosa đổ chất thải ra biển, cho nên cá chết ở vùng biển miền Trung là do nhân tai. Riêng vụ này, thảm họa do nhân tai gây ra còn hơn cả thiên tai, không có bão tố nào gây hậu quả cho người dân và hủy diệt môi trường bằng nhà máy Formosa.
Theo quy định của Nghị định 86, người dân bị thiên tai mới thuộc đối tượng miễn giảm học phí, vậy thì người dân chịu thảm họa Formosa không phải bị thiên tai cho nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định. Mặc dù trên thực tế, người dân, đặc biệt là ngư dân của 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế bị thiệt hại nặng nề, vấn đề đặt ra là UBND các địa phương này có xem xét, quyết định không thu học phí cho học sinh mẫu giáo và học sinh phổ thông hay không?
Dù bàn cãi thiên tai hay nhân tai thì thực tế cũng chứng minh ngư dân 4 tỉnh miền Trung đang đối mặt với nhiều khó khăn vì thảm họa Formosa, cho nên không thu học phí của học sinh vùng bị ảnh hưởng là đúng. Không chỉ là học sinh mẫu giáo, học sinh phổ thông, mà các địa phương cần hỗ trợ học phí cho sinh viên (con em của ngư dân) đang học ở các trường đại học.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh trước đây dành nhiều ưu đãi khi rước Formosa vào nhà, thì xin các vị lãnh đạo hôm nay hãy dành nhiều ưu đãi cho nạn nhân của Formosa. Học sinh, sinh viên con em người lao động nghèo của 4 tỉnh miền Trung là nạn nhân đang cần sự hỗ trợ.
Với số tiền của Formosa đền bù thiệt hại 500 triệu USD, có nhiều việc để chia, để chi, nhưng thiết nghĩ nên chi cho việc học hành trước. Đừng để cho bất cứ học sinh, sinh viên nào vì thảm họa Formosa mà bỏ học, đó là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương. Và đó là mong muốn của người dân trong vùng “nhân tai Formosa”.
Người Kỳ Anh