Chuyện quanh bài cá chết trên New York Times: Giải pháp tốt nhất là đóng cửa Formosa


CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT :
29-5-2016. Vậy là chính quyền đã thành công trong việc dập tắt biểu tình vì biển sạch. Sáng nay ở Hà Nội, công an đã hốt nốt vài người đi biểu tình toạ kháng. Sài Gòn hình như không có gì.
Đường phố Hà Nội lại yên bình, nam thanh nữ tú, các bà sồn sồn váy xanh áo đỏ lại ríu rít như chim bên li cà phê vỉa hè, hạt hướng dương lách tách rơi từng đống vỏ dưới những làn môi đỏ chót...
Không có lý do nào chính đáng hơn! Phản đối Trung Quốc hay kêu gọi giữ biển sạnh đều rất chính đáng nhưng nhà cầm quyền đều dẹp được ngon lành. Điều này chắc hẳn làm hài lòng những bạn "trí thức" sành điệu, thông minh, tỉnh táo, tầng lớp luôn nhìn đám đông đi biểu tình như bọn dở hơi, rách việc. 


Tốt lắm, các bạn đang góp phần vào cái chết môi trường, vào tỉ lệ ung thư ở Việt Nam. Mà này, đừng tưởng có tí tiền là dương dương đắc chí. Theo như người dân địa phương bảo, cá chết đợt vừa rồi là ở tầng đáy, toàn cá ngon. Loại cá này được bắt khi chưa chết hẳn, chúng được mang đi tiêu thụ khá mạnh. Mà giống cá ngon thì chỉ người giàu, hay quan chức mới có tiền ăn.
Nói lên điều này để khẳng định với các bạn rằng không một sự khôn lỏi nào có thể giúp các bạn tránh được hiểm hoạ môi trường. Mỗi cá nhân đơn giản là quá nhỏ bé trước vấn đề này. Do vậy, thay vì nhìn đám người đi biểu tình như một lũ dở hơi, các bạn nên hướng cái nhìn vào trong để nhìn thấy sự ngu xuẩn trong chính bản thân mình.
Khi cá nhiễm độc vì biển bẩn thì không có lý gì nước mắm, muối không bị nhiễm độc. Vấn đề này sẽ mang tới cái chết, không phải là cái chết tức thì mà là cái chết dần dần. Điều đau đớn là không phải là bạn mà là con cháu của bạn sẽ bị nhiễm độc. Khi môi trường bị nhiễm độc thì không chỉ có cá, mà thực vật hay các động vật khác cũng bị nhiễm độc. Con người, đứng gần cuối trong chuỗi thức ăn, tất nhiên sẽ nhiễm độc không theo đường này thì đường khác.
Tỉnh ngộ ra chưa? Giật mình chưa? Vậy, đã không xuống đường như những con người chân chính thì xin các bạn hãy câm miệng đi cho tôi và những người có lương tri khác được nhờ. Những con người ít học, khi sai lầm sẽ gây hậu quả nhỏ. Những kẻ có học, trên người dán mác này, học vị kia thì hậu quả gây ra sẽ lớn hơn nhiều.
Một người đàn ông sản xuất đá cho thuyền đánh cá ở một làng chài ở Quảng Bình nói bình thường mỗi ngày anh ta bán được chừng 600 cây đá, giờ chỉ bán được mấy chục cây mỗi ngày.
Hãy đặt địa vị các bạn vào tâm lý người ngư dân. "Khi cá chết trắng bờ biển, chúng tôi chỉ biết nhìn ra biển mà khóc," một phụ nữ nói, mắt rơm rớm khi được phỏng vấn. "Nếu tình trạng này tiếp diễn thì con cái chúng tôi sẽ đi học làm sao, chúng ta sẽ sống như thế nào?"
Chỉ có thuyền cỡ trung, ra xa một chút mới có cá. Thuyền nhỏ đi có thể lỗ vì vùng nước nông rất ít cá vì bị nhiễm độc. Cá của thuyền cỡ trung đánh về thay vì được thu được 12 triệu/tấn thì giờ chỉ được 4,5 triệu, trong khi đấy chi phí dầu là 3 triệu. Trên thuyền có 7 người. Họ đi suốt từ 4 giờ chiều tới 5 giờ sáng hôm sau.
 
Những ô tô đông lạnh thu mua rồi chở cá đi đâu? Rõ ràng là về các thành phố lớn. Ai khẳng định bao tấn cá ấy sẽ được tiêu huỷ nếu phát hiện có độc? Ai khẳng định chỗ cá ấy không được làm nước mắm? Mà người Việt Nam, có ai là không dùng nước mắm? Một xã hội đầy rẫy dối trá thì biết đặt lòng tin vào đâu?
Cho nên, tôi và các bạn đang chết dần đấy. Đừng hí hửng với chút học thức của mình. Các bạn có học nhưng cái tâm của các bạn nhỏ mọn và hèn nhát. Và nói thực ra thì trí tuệ các bạn cũng tầm thường khi không nhìn thấy vấn đề hiển nhiên như vậy.
Các bạn chỉ quen bê đít quyền lực mà lờ đi tai hoạ và nỗi khổ đau của người dân. Cho nên, xin các bạn hãy ngậm miệng đi cho tôi đỡ bực mình. Các bạn nên học tầng lớp "trí thức" khác, có bà con với các bạn. Loại trí thức ấy còn biết xấu hổ vì sự hèn nhát của mình nên biết điều mà tự gắn keo vào miệng. Loại trí thức ấy tôi coi thường nhưng loại trí thức ngu mà không biết mình ngu, hèn mà còn tự hào về cái hèn của mình thì khiến tôi tức giận và nguyền rủa.
Các bạn nên xem phim Bambi. Mẹ của thỏ Thumber dậy con rằng: "Nếu không nói được điều gì tốt đẹp thì đừng nói gì cả!" Có những bài học rất cơ bản mà các bạn quên mất, xong lại cứ tưởng mình hay ho sành điệu hơn người lắm.
Sáng nay, khi ra Hồ Gươm thì mấy bạn đi biểu tình đã bị hót đi rồi. Nhìn quang cảnh thành phố mà tôi thấy lòng trống rỗng buồn bã. Đấy là chân dung con người đất nước tôi. Sao dễ quên thế? Mấy tuần trước xuống đường ầm ầm. Bị đấm đá mấy phát là lạnh ngay như chưa hề có điều gì xảy ra. Trong khi ấy thì những người bệnh ung thư đang chật cứng ở bệnh viện, đang gào khóc vì đau đớn. Tại sao cứ phải chờ tới lúc nỗi đau đớn xảy ra với mình, với chính người thân của mình, tức là lúc không còn kịp trở tay mới hành động chữa chạy một cách tuyệt vọng.
Mà mấy tuần qua, đã có thông tin gì mới đâu. Hay các bạn có được thông tin mà người thấp cố bé họng như tôi không được biết?
Thôi được, cứ im lặng đi, cứ cắn môi nuốt thắc mắc lo sợ vào trong như chưa hề có gì xảy ra đi. Đằng nào chúng ta chẳng đớp đớp giãy chết như những con cá kia?
Tôi bi quan quá chăng?

 

 
VÔ CẢM TỪ ĐÂU?
Như vậy là chính quyền thành công trong việc dập tắt biểu tình ở Hà Nội và Sài Gòn. Điều này đòi hỏi biết bao nhân lực và sự vất vả đêm hôm của các chiến sỹ an ninh. Có trường hợp tới gần chục người canh cổng một người.
Điều này là tốt hay là không tốt? Đối với những lãnh đạo an ninh và các chiến sỹ an ninh thì điều này chắc hẳn là tốt bởi họ hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Nhưng về lâu về dài thì điều này không tốt cho toàn xã hội. Tại sao vậy?
Ông Hồ Chí Minh từng nói: "Dân chủ là làm sao để dân mở miệng ra" mà biểu tình chính là cách người dân "mở miệng" để nói lên suy nghĩ, tình cảm, sự lo lắng, nỗi bức xúc của họ trước một vấn đề xã hội nào đấy. Biểu tình là một quyền cơ bản của công dân. Quyền ấy được thừa nhận trong hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và được tôn trọng ở các nước văn minh phát triển. Trong những cuộc biểu tình ở các nước văn minh, chính cảnh sát phải bảo vệ sự an toàn của người biểu tình. Vậy tại sao người biểu tình lại bị đàn áp, thậm chí bị đánh đập dã man ở Việt Nam. Mà biểu tình đòi biển sạch, đòi minh bạch thông tin là cuộc biểu tình có ý nghĩa hoàn toàn chính đáng, hợp lý của người dân. Thử hỏi có lý do nào chính đáng hơn thế.
Tôi hiểu chính quyền Việt Nam sợ biểu tình vì môi trường sẽ phát triển thành một cuộc bạo loạn. Nếu tôi hiểu đúng thì nỗi sợ đấy của chính quyền là không có cơ sở. Nếu chính quyền lo sợ điều ấy thì tại sao họ không dùng nghiệp vụ chuyên môn để tách những thành phần kích động, có ý đồ gây bạo loạn mà lại vơ đũa cả nắm, rồi đàn áp bắt bớ tất cả mọi người. Nỗi sợ ấy thể hiện một sự yếu kém về tâm lý và cả về nghiệp vụ. Tôi hy vọng thay vì chọn phương án "sợ hãi", chính quyền sẽ nâng cao năng lực của mình tốt hơn.
Vậy tại sao sự "thành công" của chính quyền lại là không tốt về lâu dài?
Khi ông Hồ Chí Minh động viên dân mở miệng thì chính quyền lại bắt dân đóng miệng. Sự "thành công" này không tốt ở chỗ nó sẽ khiến người dân không dám, không muốn và rồi sẽ đến lúc không thèm "mở miệng". Mở miệng làm gì cho mệt, tai bay vạ gió, bị bắt, bị an ninh phiền nhiễu, ảnh hưởng tới công việc, mưu sinh, đau đầu, thậm chí còn bị bạn bè nhạt nhẽo, người thân xa lánh. Thấy chưa, mỗi hành động "mở miệng" mà biết bao nhiêu điều thiệt thòi có thể xẩy ra?
Và như vậy, hậu quả của việc "kín miệng" là gì? Theo thời gian, dần dần nếp nghĩ "im lặng là vàng" càng in đậm trong tâm khảm. Mỗi người sẽ chỉ là một cá nhân rời rạc trong xã hội, sẽ chỉ biết câm lặng, tuân lệnh, tặc lưỡi cho qua. Con người cảm thấy mình không phải là một tế bào của xã hội, suy nghĩ của mình không đóng góp cho xã hội và không được đánh giá. Họ sẽ thu mình lại.
Nhạc sỹ chỉ viết tình ca, nhà văn chỉ viết ngôn tình, sex, sốc, sến kiếm chút danh vọng nhỏ nhoi hèn kém. Viết gì hoành tráng, sâu sắc, có chiều sâu của lịch sử mà đụng chạm, đã không được xuất bản mà có thể bóc lịch như chơi. Việt Nam qua bao cuộc chiến, một thế kỉ qua chất liệu đời sống ngồn ngộn, máu đã chảy thành sông, xương chất thành núi mà tại sao không có tác phẩm văn học tương xứng. Có phải văn tài kém không? Tôi sợ là không mà bởi chính tâm lý vừa viết vừa run, viết mà không biết để làm gì khiến nhà văn không dám, không muốn, và không thèm viết. Bởi họ cũng như người dân, họ nhiễm vi rút makeno.
Rồi tâm lý "kín miệng" ấy lâu ngày sẽ thành vô cảm. Không một đất nước nào phát triển đi lên được thiếu sự tham gia của người dân. Tại sao những năm gần đây văn hoá người Việt xuống cấp, tệ nạn xã hội tràn lan, đạo đức xã hội băng hoại? Tất cả bởi chính sự vô cảm của con người. Và khi vô cảm thì con người làm sao sống có lý tưởng được. Không có lý tưởng phục vụ đất nước, không có tình yêu tổ quốc thì quan chức sẽ dùng địa vị như một thứ kiếm sống, trục lợi. Và như vậy thì tham nhũng chỉ là một một cái tặc lưỡi nhẹ như lông hồng, chẳng khác nào cái tặc lưỡi của con thạch sùng trên tường. Tặc lưỡi phát có thêm cái ô tô cho con, thêm căn hộ cho vợ, bán một mẩu tương tâm ra tiêu, có chết ai đâu.
Vậy đấy. Mọi thứ trong xã hội liên quan nhau. Có bộ phim gì đó nói một cánh bướm đập ở bên kia bán cầu có thể ảnh hưởng tới bên này bán cầu cơ mà. Tất nhiên, đấy chỉ là một phép nói ẩn dụ. Chứ ở Việt Nam dùi cui vụt xuống bùm bụp, cú đấm cú đá tung ra vù vù, máu chảy đầm đìa, mấy trăm người chết trong thời kỳ tạm giam, tạm giữ mà đất nước vẫn yên bình cơ mà. Nhưng thôi, đấy là nói theo góc nhìn chua chát tuyệt vọng chút thôi, xin các vị đừng tưởng mấy cái dùi cui, cú đấm, cú đá không có tác dụng tiêu cực đâu. Có cả đấy. Lòng người quặn thắt, lòng tin như giếng cạn, con mắt dõi tuyệt vọng vào tương lai mờ mịt.
Nếu người quản lý xã hội không nhìn sâu vào mọi vấn đề của xã hội thì tôi sợ rằng chúng ta sẽ loanh quanh, luẩn quẩn mà không phát triển. Đừng nghĩ là chúng ta đang phát triển. Phát triển gì mà nợ công đang tăng vùn vụt vậy?
Do vậy, đừng nhìn thấy sự "thành công" này mà mừng. Thực ra thì rất đáng buồn đấy.
 
CÂU CHUYỆN THỨ BA:
Ông Hồ Hữu Sìa, 67, (bên phải), Quảng Bình nói cả đời ông làm ngư dân chưa bao giờ ông nhìn thấy hiện tượng lạ đến vậy. Nhà ông cách mép biển chừng một trăm mét. "Từ cửa nhìn ra, những con cá to cứ nhao lên bờ, đớp đớp như thể chúng muốn trốn chạy khỏi nước biển," ông nói. "Phải là người lớn lên cùng với biển cả thì mới hiểu được cảm giác của ngư dân chúng tôi những ngày ấy. Tôi cảm thấy một nỗi sợ chạy khắp người mình."

 

Trước đấy mấy ngày ông Sìa nhìn thấy một dòng chảy mầu hồng hồng, khác hẳn với mầu nước thường ngày. Những con cá ấy ít khi bắt được vì là loài cá sống ở dưới tầng sâu dưới đáy biển.
Những ngày đầu, người dân gom những con cá to ấy để bán cho thương lái. Theo ông Sìa thì chỉ người có tiền và quan chức mới thường ăn loại cá "ngon" này.
Sau khi có hiện tượng cá chết, ông Sìa vẫn đi tắm biển. Gia đình ông nấu những con cá nhỏ hơn để ăn. Tới ngày thứ ba thì ông Sìa cảm thấy từ ruột tới cổ họng của mình như có lửa. Tuy nhiên, điều lạ là da ông không bị ngứa ngáy, nổi mẩn như nhiều người khác.
Ông Sìa bảo xương cá nấu xong, thường trắng giờ thành đen sì, cả đời chưa bao giờ ông nhìn thấy điều ấy. Những con mực, trông ngoài bình thường nhưng nội tạng đã bị hoại tử.
Hồ Thị Đào, 32 tuổi, (bên trái) là con gái ông Sìa. Cô cũng ăn cá nhưng bị nhiễm độc nặng hơn. Nôn mửa, tiêu chảy nhiều, phải nhập viện để tiếp nước.
Đào cho một cô bạn hai con cá bằng bàn tay để hấp cơm. Một con được ăn, con còn lại vẫn để trong nồi cơm. Sáng hôm sau, con cá ấy tự nát ra. Cô bạn của Đào cũng phải đi cấp cứu.
Bà Hương, 63 tuổi, một người cùng làng nói:
"Chúng tôi mong ngóng từng ngày tin tức từ chính quyền, chậm ngày nào là đời sống ngư dân chúng tôi khổ ngày ấy. Cuộc sống của chúng tôi phụ thuộc vào biển, giờ biển thể này, chúng tôi sống bằng gì? Nhiều ngày, chúng tôi chỉ biết nhìn ra biển mà khóc!"
Từ ngày biển có vấn đề. Mỗi ngư dân từ lúc xảy ra cá chết được ủng hộ duy nhất một lần 50,000 Đ và 7 kg gạo. Người dân đi tầu trung được đánh cá trở lại nhưng đánh cá về không dám ăn. Trong làng này số thuyền cỡ trung chỉ chiếm 30%. Cá đánh về chỉ người già như vợ chồng bà Hương ăn. Ba người con trai, con dâu và các cháu không dám ăn mặc dù rất thèm. Kể cả những con mực tươi nguyên cũng không dám. Có thương lái mua nhưng giá chỉ bằng 45 % trước kia.
Tầu nhỏ để câu mực thì nằm bất động, được phủ bạt che nắng. Bởi mực gần bờ không còn để đánh. Trên biển, những bẫy mực đóng bằng gỗ bầy la liệt, phơi nắng.
Bà Hương không biết thương lái sẽ đổ hàng ở đâu. Câu hỏi được nêu ra với nhiều người khác nhưng họ đều lắc đầu. Hỏi sao không hỏi thương lái, họ bảo có hỏi nhưng thương lái không trả lời.
Vậy câu hỏi đặt ra là số lượng cá đấy được tiêu thụ ở đâu nếu không phải là làm mắm? Cơ quan nào sẽ kiểm định độ nhiễm độc của lượng cá này?
Đây là câu hỏi cứ ám ảnh tôi suốt và tôi nghĩ nó cũng sẽ ám ảnh tất cả chúng ta. Giờ đây những thứ gần gũi được dùng hàng ngày như nước mắm cũng là một mối lo.
Tôi nghĩ chính quyền nên có một chiến dịch truyền thông thật tốt để yên lòng người dân. Thay vì bưng bít thông tin, chính quyền nên cho người dân biết điều gì đang xảy ra.
Và sự chậm chễ này càng khẳng định Formosa là thủ phạm. Nếu là nguồn ô nhiễm sinh ra từ tự nhiên thì chính quyền sẽ không dại gì mà có thái độ mập mờ như hiện nay.
Khi thông tin mập mờ, người dân sẽ hoang mang và cuộc sống sẽ nhuốm mầu chết chóc.
Người dân có quyền được biết điều gì đang diễn ra. Chính quyền không nên độc quyền về thông tin như hiện nay. Có thể cá đánh được đã an toàn, nhưng khi thông tin mập mờ, thương lái sẽ tận dụng điều này để hạ giá, bắt chẹt người dân.
 
CÂU CHUYỆN THỨ TƯ:
Các bạn nên hiểu rằng tôi còn không định đưa ảnh những người được phỏng vấn nên bởi tôi sợ họ có vấn đề với chính quyền địa phương. Vì muốn thông tin thuyết phục, tôi bất đắc dĩ phải đưa ảnh và tên tuổi thật của họ lên.
Người đàn bà tên Hương còn cứ hỏi tôi mãi là liệu bà ấy có làm sao không, có bị đi tù bởi trả lời tôi không. Tôi là phóng viên lâu năm, chẳng lẽ tôi không biết viết chú thích ảnh? Chuyện không để địa chỉ cụ thể là có ý của tôi. Các bạn có nhớ lần tôi làm phóng sự về chó và phỏng vấn hai kẻ trộm chó không? Những kẻ nghi ngờ, cho rằng tôi tạo dựng khiến tôi bực mình mà block.
Hơn nữa, chi tiết nào trong bài viết khiến các bạn nghi ngờ?
Tôi là người trọng danh dự, đừng mang lối suy nghĩ thấp kém ra nói chuyện với tôi. Phải chăng các bạn quá quen với sự dối trá của xã hội này rồi? Tôi có thể bán danh dự của mình bởi mấy cái like vàng ngọc của các bạn sao? Chắc nhiều người lại tự hỏi: Động cơ là gì?

 
TIN BÀI LIÊN QUAN:
>
    CÂU CHUYỆN THỨ NĂM:
Giải pháp tốt nhất là đóng cửa Formosa. Chỉ làm vậy mới giải toả được sự phẫn nộ của dân chúng. Một nhà khoa học nói với tôi rằng sự ô nhiễm độc là vô cùng khủng khiếp, các chất xyanua và formol lắng xuống gây tác hại như một quả bom nguyên tử với tầng đáy. Khi người dân nhìn thấy mầu đỏ, đấy chính là oxit sắt từ xả thải. Những chất độc này sẽ còn ở mãi tầng đáy tới chừng một trăm năm sau mới trở lại bình thường.
Những tầu đánh cá khơi xa mới hoạt động được. Những thuyền đánh cá nhỏ ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, những thuyền câu mực hoàn toàn nằm phơi nắng, phủ vải trắng như có tang suốt dọc bờ biển.
Cho dù chính phủ có chương trình trợ giúp kiểu gì thì ngư dân nghèo, chủ nhân của những con thuyền đánh cá nhỏ chịu ảnh hưởng của xả thải Formosa sẽ lâm vào cảnh khốn cùng không biết bao lâu. Mà theo người dân ở Nhân Trạch, Quảng Bình thì mỗi người dân được một túi gạo 7 kg và 50,000 từ lúc xảy ra biển nhiễm độc? Thử hỏi họ sẽ sống thế nào với kiểu trợ giúp này?
Đây không phải là sai sót mà là một tội ác.
Tôi nghĩ rằng chính phủ nên công bố sớm nguyên nhân và thủ phạm, rồi cho phép các tổ chức từ thiện tới giúp bà con ngư dân. Nếu không, việc bà con bị đói là một thực tế nhãn tiền. Hãy nhìn thẳng thắn vào sự thật, hãy trao đổi với người dân cởi mở, đứng che đậy. Chậm ngày nào, ngư dân khổ ngày ấy. Sự minh bạch thông tin luôn cần thiết. Người dân có quyền được biết điều gì đang xảy ra. Điều ấy gắn liền với bát cơm, tương lai con cháu họ.
 
Nếu Formosa còn ở đấy thì họ sẽ xả thải đi đâu? Với tai tiếng "sát thủ môi trường" của Formosa, chính quyền đã chấp nhận để họ làm nhà máy ở Việt Nam. Đấy là một quyết định sai lầm. Nếu còn để Formosa tiếp tục hoạt động thì lại là một sai lầm chết người nữa.
Hãy lập phiên toà xét xử, bắt họ bồi thường cho ngư dân và tống cổ họ về nước.
Theo tôi, đấy là giải pháp duy nhất. Một số người có thể bảo điều ấy ảnh hưởng tới chính sách, chủ trương kêu gọi đầu tư nước ngoài. Cần phải suy nghĩ rạch ròi ở đây. Chúng ta cần đầu tư nước ngoài chứ không cần sự phá hoại của nước ngoài. Hai điều đấy khác nhau nhiều lắm đúng không?
 
CÂU CHUYỆN THỨ 6:
Sáng nay người đàn bà tôi phỏng vấn ở Quảng Bình gọi điện cho tôi hỏi: "Có tin gì mới chưa chú. Các chú phỏng vấn xong có viết bài gì không? Mà tôi trả lời phỏng vấn của chú thì liệu có làm sao không, có bị đi tù không chú? Bao giờ thì nhà nước công bố nguyên nhân hả chú. Cá chúng tôi đánh được giờ chỉ bán được chừng nửa giá. Con cái tôi thèm cá lắm mà không dám ăn chú ạ."
Thấy vậy, tôi chủ động gọi cho người đàn ông khác đã trả lời phỏng vấn. Ông ấy bảo tình hình vẫn thế, từ đợt hỗ trợ duy nhất 7kg gạo và 50,000 VND thì chưa có gì mới. Khi hỏi có ai trong làng bị đói chưa. Ông bảo: "Chúng tôi không chết đói cũng sẽ chết vì độc chú ạ. Người Việt Nam mình ác độc lắm."
"Thế là sao ạ?"
"Trung Quốc nó giết cá nhưng người Việt Nam mình giết nhau. Cá đánh được về chính ngư dân không dám ăn, thương lái không dám ăn, chỉ mang đi nơi khác bán. Thế không phải là giết nhau là gì? Tôi cảm thấy thế giới này buồn quá."
Điều này chính là điều tôi thấy đáng sợ nhất. Thương lái vẫn thu gom cá đánh được đều đều, họ chở đi đâu nếu không phải là đưa về những kho đông lạnh ở thành phố lớn, rồi sẽ được dùng làm nước mắm?
Sự hèn nhát thường đi cùng với sự dối trá, dã man, vô nhân tính. Khi tầng lớp trí thức hèn nhát, nhất định ngậm miệng vì sợ hãi vu vơ, nhất định bênh vực chính quyền đến phút cuối cùng thì trách gì ngư dân, người buôn bán vô nhân đạo, chỉ làm sao để có lợi nhuận? Chỉ lo cho miếng ăn trước mắt của họ. Cả xã hội sẽ tìm cách ăn thịt lẫn nhau để sống. Tất cả đều xứng đáng với nhau phải không? Kêu ai, kêu sao nổi? Đều là phường mèo mả gà đồng cả mà. Cả dân tộc này cùng đưa nhau tới chỗ diệt vong. Chẳng phải bệnh nhân ung thư đang chật cứng ở các bệnh viện K rồi sao? Cứ im lặng mà đi vào cõi chết, trong lòng hoang vu không biết ngày mai con cháu ta sẽ sống thế nào.
Sáng nay thấy FB lan truyền những bức ảnh chụp từ Quản Thọ, Quảng Bình những đàn cá bé xíu như cá cơm, cá buôi, cá trích ve nhảy lên bờ. Hiện tượng này chỉ xảy ra với cá to, cá ngon ở Nhân Trạch, Quảng Bình khi mới xảy ra thảm hoạ. Thực ra thì tôi nghĩ không phải là cá cố tình nhảy lên bờ. Chẳng qua là cá bị nhiễm độc, sức yếu, cá cố ngoi lên mặt nước, bị sóng đánh dạt vào bờ khi còn sống.
Hôm qua, một cậu tôi biết đã lâu bình luận là "Anh lên tiếng nhiều thế thì đến giờ đã được gì rồi?" Cái giọng rõ ràng là khiêu khích chứ không phải là một câu hỏi chân thành. Trong lúc bực mình, tôi block luôn. Người trẻ, người thiếu hiểu biết thì tôi không chấp, đến kẻ có học mà ngu lâu đến vậy thì tôi không mất thời gian để đối thoại hay trạnh luận, giải thích làm gì. Tôi không có nhu cầu nhìn thấy cái tên của cậu ta trong FB của tôi.
Chính sự im lặng, nghĩ lên tiếng không làm gì mà chúng ta đang sở hữu một xã hội tởm lợm như hiện nay. Một xã hội khi con người tìm cách "ăn thịt người", con người chỉ chăm chăm lo cho cái dạ dày và cái sự "sống mòn" của mình.
Khi lòng tin vào con người đã xuống đáy, không gì tồi tệ hơn. Hôm nọ trên Vietnamnet còn có bài cảnh báo đậu phụ chứa nhiều chất gây ung thư. Vậy chúng ta biết ăn gì cho an toàn. Rồi đây, thứ gần gũi, cần thiết nhất đối với bữa cơm người Việt là giọt nước mắm cũng bị nghi ngờ nhiễm độc thì chúng ta biết ăn gì?

 
CÂU CHUYỆN THỨ 7:
Bài ''Cá nhiễm độc làm trì hoãn công nghiệp địa phương và thách thức quốc gia'' trên báo The NewYork Times tác giả: Richard  C. Paddock, sẽ được đăng trên bản báo in của Thời báo NYT ngày mùng 9/6/2016. Tựa Sickness and Unrest Rise from Tainted Fish In Vietnam (Bệnh tật và Bất ổn gia tăng từ vụ cá chết ở Việt Nam)

 
Ảnh: Những lồng đánh mực phơi nắng ở Nhân Trạch, Quảng Bình. Đây là những lồng dùng cho thuyền câu mực nhỏ. Từ ngày xảy ra thảm hoạ thì không dùng đến vì mực ở gần bờ không còn.

 
Nhà báo Đoàn Bảo Châu, nhiếp ảnh gia của Associated Press, Reuters, the New York Times, Forbes, National Geographic, Town and Country Travel, Le Figaro, the Asian Wall Street Journal, Time magazine and Der Spiegel.

CHUYỆN EURO VÀ CÁ - NGHE TRONG MỘT QUÁN CÀ PHÊ
(Chiều thứ bảy 11/6 tại cà phê Coffee Bean trong Kumho – quận 1, Saigon. Còn 10 ngày nữa là...Tết nhà báo mà nghe chuyện làm báo, quá hợp để ghi lại)
Hai người, có vẻ sinh viên báo chí(?) , cô gái là người Việt , anh kia là người Pháp. Họ nói to, rôm rả.
- Ê, tối qua bà có coi khai mạc Euro không?
- Có. Hay, vui , nhiều màu sắc vui lắm. Nhờ nước Pháp của ông biết chọn tốc độ, bớt kể lể lê thê. Tui khoái cái nhanh gọn tốc độ, vừa cuộn sàn phủ sân vận động, đẩy bục sân khấu vô vừa đón 2 đội bóng ra, đá luôn.
- Đó đâu phải chỗ hay nhất. Hay nhất là không diễn văn, không thưa gửi, kể tên lãnh đạo, đủ chức vụ, đúng thứ tự đến buồn ngủ luôn như xứ ai đó. Tổng thống tui có dự cũng không giới thiệu. Tôi nhớ hôm Man xanh qua VN đá bóng, trời, tự nhiên mọc ra mấy ông lên nói dài ơi là dài, bọn cầu thủ Anh chửi quá trời. Mà cũng lạ lùng ha, xứ bà, chuyện cần nói đến sống còn thì không nói, mà những lúc không cần lại nói quá trời...
- Không. Lúc nào cũng giành nhau nói, phát biểu chỉ đạo toàn giống nhau mà...
- Hôm kia có đọc New York Times không? Nó viết bài dài về nạn cá nhiễm độc, có nêu thắc mắc, hơn hai tháng rồi sao VN vẫn chưa chịu nói nguyên nhân cá chết? Nhớ lại đi, hai lần họp báo, một lần 10ph rồi chạy, mới đây, nói có nguyên nhân rồi nhưng còn chờ...phản biện. Haha, thành ra dành sân cho NYT nó đá. Mà báo nó phát hành toàn cầu số lượng lớn thấy ghê, nhất là tờ online. Nó đăng vậy thì nguy hiểm cho chuyện nhập khẩu hải sản và du lịch VN, thật đó, thiệt hại khôn lường. Sao truyền thông xứ bà không nói lại, sao cứ né cá vậy?
- Né đâu? Hôm qua, các báo đều đưa chuyện 30 tấn cá nục nhiễm phenol đó.
- Ừ, bà nói tui giật mình. Nếu tin đó không đăng, những lô cá nhiễm độc lọt ra thị trường, thì ...ai chịu trách nhiệm? Giờ bịt tin không dễ, không phải chỉ có hậu quả mơ hồ nha, thực sự là thiếu thông tin có thể gây chết người đó.
- Thì biết vậy, nên các báo đăng rồi, đâu bị rút xuống đâu. Phải đăng chứ. Tôi đoán đang có người trách nhiệm xứ tui yêu cầu thằng NYT xóa bài đó, rút bài xuống...
- Trời, chà chà, báo Mỹ, cỡ Obama cũng khó biểu nó rút. Hay là làm kiểu anh Tập đi. Mua hẵn mấy trang trên Washington Post nói lại. Bà biết trang ChinaWatch mà, đăng toàn bài chửi Nhật, chửi Mỹ. Còn láu cá trình bày như trang báo thường, để gây hiểu nhầm là WP viết, dù là trang được mua để...quảng cáo...
- Nhưng chơi kiểu đó tốn tiền lắm. Nó phải chơi nhiều tờ, tui nhớ có Sydney Morning Herald, WP rồi Huffington Post, ôi, tiền như quân Nguyên mới chịu thấu.
- Vậy giờ tính sao? Đấu với bọn dẫy chết phải tốn tiền. Đểnhớ coi, hồi TQ đăng bài chửi Nhật sau “Thảm sát Nam Kinh” năm 2014, có nhà báo Nhật điều tra là năm đó, Tàu chi 8.7 tỉ USD đăng báo Mỹ để tố Nhật. Thời internet, tin tức đi nhanh hơn điện, tin lan tới đâu phải tiền chồng tới đó.
- Rối quá. Bên tui có cách khác ít tốn tiền hơn nhiều. Chặn mobile. Cấm báo, đã đăng thì rút xuống, là xong.
- Trời, nói chuyện toàn cầu kia, khoan nói chuyện chính trị, chỉ hỏi nè, VN có xuất khẩu không, có khách du lịch quốc tế không. Ừ, khó thiệt chứ sao, nghĩ kỹ, chỉ có một cách hay nhất, cũng không tốn tiền mà chắc ăn...
- Sao, sao ?
- Là chủ động cung cấp thông tin để nhà báo quốc tế không có lỗ hổng mà viết tùm lum. Cứ để cái lổ đen hoài thì họ tự kiếm thông tin thôi. Đáng sợ nhất là những lổ đen có thể khiến dân không biết, ăn nhằm cá độc. Nói thiệt nha, xứ bạn hay làm giống anh Tập, sao vụ này chưa thấy theo? Họ xài nhiều binh chủng, tung tin loạn xạ, quyết ngăn lổ đen. Hôm 9.6, Tân Hoa Xã mới đưa tin họ mở “Chương trình nghiên cứu TQ” tại VN, còn nói: đó là kênh giao lưu, cung cấp tư vấn chuyên sâu cho chính phủ VN. Ngon không, thông tin minh bạch đó.
- Ủa, sao tin đó tui không biết ?
- Thì họ tung tin đủ kiểu, ai học nghề báo phải đọc đủ các nguồn. Tàu không chỉ quậy bằng súng đạn, máy bay, tàu chiến ở biển Đông mà quậy đủ binh chủng trên trận địa tin tức. Cá mập cắn cáp hả? Trời, tự lo đi. Với Tàu mà càng tự việt vị nó càng quậy...
Bởi vậy bây giờ tôi có câu đố thử tài bà: Nghe đây, đây là đề thi tốt nghiệp năm nay: “hãy đưa giải pháp để nhà nước trị được cả truyền thông trong nước và quốc tế “?
- Ác quá. Đề gì khó dữ vậy, sao làm nổi. Ra đề kiểu đó, tui cầu cho ông ế vợ suốt đời.
- Học làm báo mà cái gì cũng không biết cũng than khó. Khó vậy bà mới cần tui. Bà nói thua tôi đi, nói cần tui suốt đời đi...
Úi trời, anh Tây lại về đến... La Mã rồi. Họ bắt đầu tán nhau. Tôi đứng dậy đi, hết nghe gì nữa...
Nhà báo Vũ Kim Hạnh (báo Sài Gòn Tiếp Thị), hiện là giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp - BSA. Người Kỳ Anh

TIN BÀI LIÊN QUAN:

CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh