Formosa Đài Loan, khối ung thư khổng lồ đang di căn ở Việt Nam

Người Kỳ Anh - Thủ phủ khu công nghiệp hoá dầu Formosa tại huyện Vân Lâm, Đài Loan vùng nông nghiệp nghèo thay đổi nhờ đầu tư của Formosa nhưng bùng phát căn bệnh ung thư. Thôn Đài Tây, sát khu công nghiệp Lục Khinh của Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất và có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan. Nghị sĩ Su Chih-feng, cựu thị trưởng Vân Lâm, cho rằng Formosa là "quái vật khổng lồ", do đó phải cẩn trọng và cứng rắn khi hợp tác với tập đoàn này. Formosa là khối ung thư khổng lồ, toàn dân Việt Nam phải cắt bỏ, nếu không muốn đi theo vết quan tài Vân Lâm. Vì nạn nhân không chỉ là thế hệ hôm nay ăn phải cá và muối biển, hít bầu không khí nhiễm độc mà còn di truyền cả cho con cháu, giống nòi dân tộc sau này.



Thôn Đài Tây, xã Đại Thành thuộc huyện Vân Lâm, gần xưởng Lục Khinh của Formosa nhất trong toàn huyện này. Dân số thường trú của thôn là khoảng 462 người, đa số là người già và cháu chắt của họ. Thôn Đài Tây đối diện với 398 miệng ống khói của xưởng Lục Khinh bên cạnh sông Trạc Thủy, cách xưởng này chỉ 6 km. Hàng năm khi gió Nam mùa hè nổi lên, người dân thôn Đài Tây lại phải hứng chịu không khí ô nhiễm từ phía khu Lục Khinh. Phóng viên ảnh Chung Sheng-hsiung và Hsu Cheng-tang của Mạng Tin tức Công cộng Đài Loan (Pnn.pts.org.tw) đã thực hiện bộ ảnh phản ánh chân thực hiện trạng tại "thủ phủ của Formosa".
Hầu hết người dân ở thôn Đài Tây xuống biển bắt lươn giống vào mùa đông. Theo lời các ngư dân cao tuổi, trước đây sau khi đêm xuống, cửa sông Trạc Thủy náo nhiệt như chợ đêm. Dân làng chen nhau xuống biển bắt lươn giống để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, cửa sông Trạc Thủy không còn ai bắt lươn nữa vì lươn giống đang dần biến mất với tốc độ chóng mặt. Các tác giả đặt tên bộ ảnh là "Nam Phong" bởi ở Đài Tây mùa hè thịnh gió Nam. Chính cơn gió mát lành hàng năm giờ lại trở thành nguồn đưa không khí ô nhiễm từ phía khu công nghiệp của Formosa vào làng quê nhỏ bé.




Ông Ngụy Văn Khảo là người bắt nổi tiếng ở thôn Đài Tây. Theo ông Ngụy, trước đây xuống biển chỉ lo bắt đươc nhiều quá không mang về được, nhưng bây giờ về nhà tay không là chuyện thường. “Tổ tiên xưa nói, sống ven biển vừa có ruộng trồng vừa có biển, không sợ không có cái ăn. Bây giờ Lục Khinh đến thì chả còn gì nữa.”


Trường tiểu học Đỉnh Trang nằm giữa hai thôn Đài Tây và Đỉnh Trang, hiện có khoảng 85 học sinh, mỗi lớp chừng hơn 10 người. Theo quan sát của giáo viên phòng y tế của trường, mỗi lớp đều có khoảng 3-5 em bị viêm mũi dị ứng. Một số em học sinh thì giống như “trong miệng luôn có cục đờm không ho ra được”, mùa thu và mùa đông cũng thường bị cảm mạo, tỉ lệ đau mắt đỏ khá cao. Đầu năm 2012, Formosa cho lắp trạm quan trắc không khí trên nóc các lớp học, nhưng số liệu quan trắc đến nay không được công khai.



Bà Hồng Quế Hương, 83 tuổi, qua đời năm 2012 vì ung thư bàng quang, nhiễm độc niệu quản, nhiễm khuẩn máu và suy hô hấp. Người của công ty tổ chức đám tang cho biết, những năm gần đây, nguyên nhân lớn khiến người cao tuổi xã Đại Thành qua đời đều là ung thư, trong đó chủ yếu ung thư phổi. Theo thống kê của Sở Y tế năm 2011, xã Đại Thành huyện Chương Hóa, sát khu công nghiệp Formosa, là nơi có tỷ lệ ung thư cao nhất, cũng là nơi có tỷ lệ tử vong vì ung thư lớn nhất Đài Loan. 


Bà Thái Thái Phượng, 78 tuổi, bị phù thũng khắp tay, hậu quả của việc chạy thận hơn 10 năm. 8 năm trước, ông Tô Vĩ chồng bà (bằng tuổi) mắc ung thư phổi và qua đời năm 2011. “Người ông ấy cắm đầy ống cho đến lúc chết”, bà Thái buồn bã nói.



Bà Ngụy Lâm Tinh năm nay 74 tuổi. 3 năm trước, lá phổi trái của bà mọc 1 khối u to 6 cm. Khi đó, bà mới biết mình bị ung thư phổi. Ban đầu, bác sĩ khuyên không nên phẫu thuật, vì lo thể lực của bà không chịu nổi. Tuy nhiên, bà Ngụy quyết tâm chiến đấu với khối u và đã thuyết phục bác sĩ mổ. Hiện trên người bà có một vết sẹo dài 15 cm, dấu vết của căn bệnh bà từng chịu đựng.



11 năm trước, ông Khang Vũ Hùng mất vì ung thư gan. 7 năm sau, người em Khang Thanh Vạn, cả đời không ưa uống rượu, cũng có số phận tương tự. Hai người khi mất mới 57 và 54 tuổi. Chị dâu năm ngoái mất vì tai nạn, ngôi nhà giờ chỉ còn người em dâu Hứa Tú Vân, 56 tuổi, sống một mình. Ôm di ảnh chồng trong tay và ảnh anh trai chồng đặt ở đằng xa, bà Tú Vân nghẹn ngào kể lại câu chuyện gia đình mình.



Bà Trần Kim Phụng năm nay 61 tuổi. Ông Hứa Thế Hiền, chồng bà, không hút thuốc uống rượu, không ăn trầu, đột nhiên mắc ung thư vòm họng vào năm 2006. Cả nhà chạy chữa khắp nơi nhưng không có cải thiện. Tháng 11/2011, ông bị chuyển sang ung thư phổi và qua đời, hưởng dương 59 tuổi. Ông Hứa không để lại được gì cho vợ ngoài căn nhà rách nát chưa trả hết nợ, cộng thêm các khoản vay nợ để chữa bệnh cho ông mấy năm trước. Bà Phụng cho biết, không giải thích rõ được nhưng bà thực sự cảm thấy nghi hoặc về căn bệnh của chồng mình.   



Vòng hoa tang tại lễ viếng bà Tăng Ngọc Lệ ở thôn Đài Tây. Đầu năm 2013, bà Tăng ho liên tục suốt hơn 1 tháng. Bà đến bệnh viện kiểm tra và biết mình bị ung thư phổi, dù không hề hút thuốc. Tháng 4 năm đó, bà Tăng qua đời ở tuổi 59. Trường hợp giống bà Tăng có thể tìm thấy khắp thôn Đài Tây. Riêng tháng 4/2013, trong số 462 nhân khẩu thường trú tại đây, 4 người mắc ung thư. Ngoài bà Tăng, còn 1 người bị ung thư tụy qua đời và 2 người khác bị ung thư phổi phải nằm viện để hóa trị.

Bùng phát ung thư 

Năm 1994, tập đoàn Formosa lần đầu tới vùng quê nghèo Vân Lâm ở phía Nam Đài Loan để xây dựng khu hoá dầu Naptha số 6 của mình - sau khi thất bại không xin phép được ở Nghị Lan và Đào Viên ở phía Bắc trong suốt 8 năm trời (đều bị từ chối vì lý do môi trường).
Lãnh đạo Vân Lâm khi đó chấp nhận dự án với hy vọng thay đổi đời sống người dân cùng lời hứa mang hàng trăm nghìn việc làm thêm cho địa phương của tập đoàn Formosa. Tới năm 1998, nhà máy khai thác naptha của Formosa chính thức hoạt động trên vùng đất lấn biển ở phía Tây của Vân Lâm. Cùng lúc đó khu tổ hợp công nghiệp này nhanh chóng được mở rộng lên 2.604 hecta với nhà máy hoá dầu, nhà máy điện... trở thành một trong những khu công nghiệp lớn nhất Đài Loan với hơn 100.000 công nhân. 
 Nhưng chỉ mười năm sau khi Formosa vào hoạt động, những thông tin đầu tiên về bùng phát ung thư ở Vân Lâm bắt đầu được giới khoa học và báo chí Đài Loan đưa tin. Trong bán kính 10-20 km quanh Formosa, những làng ung thư bắt đầu xuất hiện ở các xã như Đài Tây, Đông Thế, Luân Bội, Tứ Hồ, Bao Trung và Mạch Liêu.
Sau 10 năm dân số giảm 40.000 người
Trung bình mỗi năm ở Vân Lâm có khoảng 3.000 - 4.000 người rời đi. 10 năm trước, nhân khẩu của Vân Lâm có 740.000 người, thống kê dân số năm 2015 chỉ còn 700.000 dù vẫn có số lượng lớn công nhân từ nơi khác đến làm cho Formosa.
Năm 2009, giáo sư Chan Chang-chuan của Đại học Đài Loan (NTU) công bố nghiên cứu cho thấy tỷ lệ ung thư ở các xã lân cận Formosa cao gấp 1,7 lần so với các thành phố và địa phương khác ở Đài Loan. Tỷ lệ ung thư gan ở xã Đài Tây đã tăng 30% trong vòng 9 năm, trong khi tỷ lệ ung thư nói chung tăng tới 80%. Tới 2012, nghiên cứu của giáo sư Chan cho thấy tỷ lệ ung thư của người dân sống trong bán kính 10 km của dự án trong giai đoạn 2008 - 2010 đã tăng gấp 4 lần so với giai đoạn 1999 - 2001 (dự án Formosa vận hành từ 1998).

Dân rời bỏ quê - "quay về là bất hiếu" 

Ở xã Mạch Liêu, anh Wu dẫn chúng tôi đến đường Trung Chính, trước đây là con đường tấp nập, náo nhiệt nhất thôn. Nhưng trên con đường này giờ chỉ còn lác đác bóng người đi, các hàng quán đều đóng cửa. Hầu hết người dân ở đây đều đã rời đi. Những người ở lại thường vì còn làm với Formosa hoặc những người từ địa phương khác tới.
Khi chúng tôi tới gần hơn nữa khu công nghiệp khổng lồ của Formosa, mùi cay của dầu và của không khí đặc quyện hoá chất càng nặng và khó chịu. Trước mắt chúng tôi là khu công nghiệp khổng lồ rộng hơn 20 km2 với hàng chục ống khói xả những làn khói trắng cuồn cuộn lên bầu trời. 

 Cho tới trước năm 2009, theo anh Wu, người dân và gia đình ở đây đều cảm thấy biết ơn Formosa về những thay đổi nhờ dự án này. Nhưng khi phát hiện ra căn bệnh ung thư thì mọi người dần thay đổi quan điểm về Formosa. Rất nhiều người dân ở 6 xã quanh Formosa đã phải rời đi xa hơn để đảm bảo an toàn. Trung bình mỗi năm ở đây có khoảng 3.000 - 4.000 người rời đi. 10 năm trước, nhân khẩu của Vân Lâm có 740.000 người, thống kê dân số năm 2015 chỉ còn 700.000 dù vẫn có số lượng lớn công nhân từ nơi khác đến làm cho Formosa. "Một số người làm ở Formosa nhưng mua nhà cho vợ con ở Đài Trung. Một số người già giờ nói với con cháu phải đi xa vì quay về chính là bất hiếu với cha mẹ", anh Wu nói.

Anh Wu nhắc lại chuyện xưa, ký ức của anh về quê nhà là mọi người hay tụ tập trong bầu không khí vui vẻ, náo nhiệt mỗi lần có ngày nghỉ hay lễ hội. "Giờ mỗi lần về chủ đề là bây giờ phải đi thăm ai, người này người kia bệnh tình thế nào, chi phí bệnh viện ra sao. Không khí vui vẻ ngày xưa đã mất rồi," anh buồn bã.

'Với tôi, Formosa là quái vật khổng lồ'


Nghị sĩ Su Chih-feng cho biết, Formosa là tập đoàn quyền lực ở Đài Loan (Trung Quốc). Vì sức ảnh hưởng ghê gớm của họ nên chính quyền Đài Loan thường cũng phải nhường đôi phần. Quyền lực của Formosa khởi nguồn từ ông Vương Vĩnh Khánh (1917-2008), người sáng lập tập đoàn. Ông là người rất biết tạo mối quan hệ trên chính trường và có quan hệ mật thiết với chính quyền nhiều nhiệm kỳ trước. (Ông Vương quen với nhiều quan chức từ thời Tưởng Giới Thạch)


Bà Su Chih-Feng trong cuộc trao đổi tại văn phòng riêng ở Vân Lâm. Ảnh: Thanh Tuấn
Thực tế, ban đầu Formosa không để ý đến chúng tôi vì họ nghĩ rằng chỉ cần ảnh hưởng chính quyền trung ương là đủ. Chúng tôi có lợi thế nhờ dựa vào giấy phép đánh giá môi trường ở địa phương. Dựa vào cơ sở này có thể thấy dự án của Formosa đưa vào Vân Lâm không phù hợp.

Formosa rất "quái" trong việc xử lý chất thải. Thường họ xả khói lên trời nên khó kiểm tra được chất độc trong không khí - và quy định điều này phụ thuộc vào chính quyền trung ương chứ không phải của địa phương. “Chúng tôi không gây ra ô nhiễm, chúng tôi luôn làm đúng theo quy định pháp luật” là lý lẽ của Formosa. 

 Tôi có lời khuyên với Việt Nam rằng với dự án của Formosa thì chỉ cho đốt than tự nhiên, không nên cho phép đốt than cốc (sẽ gây ô nhiễm nặng hơn). Và tôi cũng hy vọng chính phủ Việt Nam mời chuyên gia quốc tế đánh giá tác động của đợt cá chết do Formosa gây ra này. Formosa thực tế là cấu thành rất quan trọng trong hệ thống chính trị của Đài Loan chứ không đơn thuần là tập đoàn công nghiệp - thế lực của họ rất lớn. Tôi từng đề xuất thành lập một cơ quan riêng để quản lý Formosa nhưng chính quyền phớt lờ đề nghị này.

Vân Lâm của bà ngày xưa thanh bình, đời sống giờ khá hơn nhưng lại có nhiều làng ung thư hơn. Tôi thấy các ngành công nghiệp đến đầu tư tại Vân Lâm đều mang lại ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tôi không nghĩ Formosa đến Vân Lâm là điều tốt cho nơi này. Trong suốt 9 năm làm thị trưởng (2006-2015), hướng chính của tôi luôn là phát triển nông nghiệp sạch. Một quốc gia không thể bỏ nông nghiệp. Nếu từ bỏ nông nghiệp có nghĩa là từ bỏ cả một vùng đất.

"CƠ THỂ TÔI LÀ MỘT TRẠM QUAN TRẮC KHÔNG KHÍ" 

Là tên một phim ngắn về tình trạng ô nhiễm ở Yunlin (Vân Lâm) và Chuanghua (Chương Hóa) - Đài Loan, nơi Formosa đặt nhà máy, do đoàn làm phim mà tụi mình mới giúp đỡ tác nghiệp ở Vũng Áng, mới chia sẻ. Phim do nhóm Sweet Kiss và đạo diễn Lin Tay-jou thực hiện. Tình trạng ô nhiễm của hai vùng trên không khác mấy so với Việt Nam, cá chết, không khí ô nhiễm, và tệ hơn, số ca nhiễm ung thư quanh vùng tăng đột biến, trong khi quy mô đầu tư ở đây không lớn bằng Formosa Hà Tĩnh.
Formosa cũng được ghi nhận là đã gây ra 645 vụ xâm phạm môi trường trong vòng 5 năm qua, tức 2.8 ngày mỗi vụ, với số tiền phạt hơn 9 triệu USD. Các luật sư đại diện cho cư dân địa phương tin rằng số tiền Formosa đã đóng phạt, cũng như số tiền mà các cư dân đòi hỏi 'không là gì' so với lợi nhuận khổng lồ mà Formosa đã kiếm được từ việc vi phạm các quy định về môi trường.

"Thời báo Tự Do (Đài Loan) ngày 19/7 đưa tin, trong số 1.137 người dân xã Đại Thành (huyện Chương Hóa, Đài Loan) được tiến hành kiểm tra thành phần kim loại nặng trong nước tiểu, 599 người nước tiểu có nồng độ kim loại nặng cao (tỷ lệ 52,7%). Số người có chỉ số TdGA trên 8,1 chiếm 93%. TdGA đo chất vinyl clorua (VCM)) trong nước tiểu. Đây là chất liên quan mật thiết với bệnh UNG THƯ GAN, UNG THƯ NÃO. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt VCM vào loại chất gây ung thư hàng đầu. Giáo sư Chiêm, người được huyện Chương Hóa ủy thác thực hiện dự án, nhận định càng ở gần Lục Khinh, ô nhiễm càng nghiêm trọng. “Rõ ràng là xã Đại Thành bị ô nhiễm nặng nhưng lại không hề có trạm quan trắc nào, người dân DÙNG CHÍNH CƠ THỂ MÌNH để kiểm tra, hy vọng chính quyền có hành động can thiệp.”



Bài học nào cho Việt Nam?

Người dân ở xã Đài Tây vào năm 2015 đã khởi kiện tập thể đối với tập đoàn Formosa để đòi 70 triệu Đài tệ (2,16 triệu USD) đền bù cho các vấn đề sức khoẻ mà họ phải chịu vì tổ hợp dầu khí của Formosa. 74 nguyên đơn đã tham gia vụ kiện này trong đó đòi đền bù về chi phí y tế, mất khả năng kiếm sống, ảnh hưởng về tinh thần, chi phí lễ tang do các bệnh tật gây ra từ chất thải của Formosa. Trong số này, có 20 nguyên đơn đã chết vì bệnh ung thư.


Quay lại với Vũng Áng. Tất cả những gì nói đến trong đoạn phim trên dù xảy ra ở Đài Loan, nhưng lại rất tương đồng với mối lo của nhiều người dân sống quanh Formosa Hà Tĩnh. Họ đang dần cảm thấy có gì bất ổn trong không khí, khi hàng ngày thấy các ống khói tuôn xối xả vào không khí và nhiều sáng thức dậy thấy cửa kính đầy vết xỉ đen. 

Hãy tự đặt một vài câu hỏi đơn giản như sau: Đã có rất nhiều lời kêu gọi đóng cửa những nhà máy Formosa ở Đài Loan từ chính người Đài Loan? Sao Việt Nam lại rước họ về? Ung thư hoành hành quanh khu vực nhà máy Formosa ở Đài Loan? Bao giờ đến Vũng Áng? Chúng ta ngồi đợi ư? Formosa đã tỏ ra sẵn sàng gây ô nhiễm, vi phạm các quy định về môi trường và chịu phạt, vì so với lợi nhuận mà họ thu được từ việc đó, ngay trên đất nước của họ? Bạn có tin là họ sẽ không làm điều đó ở Việt Nam? Hay cơ quan quản lý của Việt Nam sẽ nghiêm ngặt hơn chính quyền Đài Loan? Có lẽ rồi chỉ còn là vấn đề thời gian, cho một bị kịch tương tự.

Một góc Formosa Hà Tĩnh

Nghị sỹ Su Chih-feng, có 9 năm làm thị trưởng của huyện Vân Lâm và là người bác dự án thép của Formosa: "Chúng tôi không làm việc kiểm tra sức khoẻ người dân trước khi Formosa tới đầu tư. Thành ra giờ cáo buộc việc Formosa gây ra ung thư là công việc rất gian truân".
Lời khuyên của bà cho các địa phương Việt Nam mà Formosa tới đầu tư: "Nên có kiểm tra sức khoẻ người dân toàn khu vực trước khi họ hoạt động. Chỉ như vậy mới xác định chính xác hoạt động của họ gây tác hại thế nào tới người dân nếu như xảy ra chuyện. Như vậy họ mới không cãi được," nghị sỹ Su, nói. Bà Su cho biết, việc không kiểm tra sức khoẻ trước cho người dân trước khi Formosa tới hoạt động khiến vụ kiện của người dân liên quan tới vụ Formosa gây ung thư đang gặp khó khăn. 

Rùng mình khi xem phim tư liệu và đọc các thông tin về tình trạng ô nhiễm do Formosa gây ra ở Đài Loan và những hậu quả của nó đối với sức khỏe, tính mạng của người dân nước này và bạn có nghĩ về một kịch bản tương tự rồi sẽ xảy ra ở Hà Tĩnh không?
 Kinh nghiệm từ Đài Loan cho thấy không chỉ ô nhiễm môi trường nước, mà Formosa có thể còn đem đến một thứ tai hại hơn nhiều: Ô nhiễm không khí. Cần phải làm gì từ kinh nghiệm của người Đài: 
1. Ở Đài Loan, sau khi có ghi nhận về các trường hợp ung thư của cư dân quanh vùng nhà máy thì mới có khảo sát về chất lượng không khí.  Việt Nam cần xây dựng các trạm quan trắc không khí vùng đông dân cư quanh Formosa Hà Tĩnh. Không chỉ trạm của chính phủ mà các tổ chức xã hội dân sự cũng phải được phép xây dựng các trạm độc lập để đảm bảo kết quả khách quan, kiểm tra chéo lẫn nhau. 
2. Formosa ở Đài Loan được ghi nhận là sẵn sàng vi phạm pháp luật về môi trường và nộp phạt; bởi vì số tiền phạt dù lên đến vài triệu USD thì không thấm vào đâu so với lợi nhuận họ thu được từ việc này. Việt Nam cần rà soát lại và sửa đổi  toàn bộ quy định xử phạt về ô nhiễm môi trường. Mức phạt phải đủ nặng để không cho bất kỳ công ty nào, bao gồm Formosa được nghĩ tới phương án kiếm lợi mà làm hại tới cộng đồng, môi sinh như trên. 
3. Người Đài Loan đặt vấn đề là ai sẽ kiểm soát những trạm quan trắc của chính phủ về kết quả làm việc của nó. Việt Nam cần đảm bảo hoạt động của các trạm quan trắc này được diễn ra công khai, minh bạch. Chẳng hạn, kết quả, quy trình quan trắc phải được đăng tải công khai trên Internet và cơ quan quan trắc chịu trách nhiệm giải trình trước các nhà khoa học, báo chí và các nhóm dân sự độc lập trong trường hợp có sự kiện bất thường. 

Đấy là trong trường hợp không thể nào đóng cửa Formosa. Đấy là trong trường hợp chúng ta lờ đi câu hỏi mấu chốt sau: Vì sao biết rằng người Đài Loan đã chịu bao khổ sở với Formosa, đòi đóng cửa và tống khứ các nhà máy của nó đi; Vì sao biết rằng Formosa gây ô nhiễm trầm trọng khắp nơi trên thế giới; Vì sao biết rằng Formosa đã để lại nhiều cái chết cho con người vì bệnh tật khắp nơi nó đi qua; Mà chính phủ của chúng ta lại rước nó về? VÌ SAO?? Formosa thực tế đang di căn ở Việt Nam, là cấu thành rất quan trọng trong hệ thống chính trị của Nhà Nước ta chứ không đơn thuần là tập đoàn công nghiệp FDI lớn nhất.

Nguồn tham khảo:
http://news.zing.vn/cuu-thi-truong-van-lam-phai-cung-ran-voi-formosa-post663103.html
http://news.zing.vn/van-lam-thu-phu-formosa-tam-diem-cua-ung-thu-post662880.html
https://www.facebook.com/nguoikyanh/videos/1178746572157050/

Người Kỳ Anh (Tổng hợp và bình luận).

CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh