NguoiKyAnh - Gần 80 tuổi, tóc đã bạc, chân đã mỏi gối. Ấy vậy mà cụ Cẩm ngày ngày mặc mưa gió trên chiếc xe đạp cà tàng lạch cạch gần trăm cây số từ miền biển đến vùng núi để sưu tầm những câu ca, lời hát cổ…Với tâm nguyện nhỡ ngày mai ra đi còn để lại cho con cháu những di sản quý giá của dân gian đang ngày ngày mai một.
Cụ Cẩm dân ca
Khỏe nhờ ví giặm
Trời Hà Tĩnh những ngày đầu cơn gió mùa đông bắc lạnh tê tái. Trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp ở con ngõ nhỏ tại xã Kỳ Bắc, Kỳ Anh, ngày ngày vẫn cất lên những tiếng ru, câu ca nghe là lạ nhưng lại rất quen: Ơ…ơ…Nhìn trời sắp có tố giông/ Cả vợ cả chồng ra mà đẩy nốc lên/ Này khoan ơi hỡi hò khoan này…
Đó là lời ca trong các buổi tập của những thành viên trong CLB dân ca Kỳ Anh do cụ Trần Khánh Cẩm làm chủ nhiệm. Gần 80 tuổi, tóc đã bạc, da đã đồi mồi nhưng tiếng hát của cụ Cẩm còn trong và thanh lắm. “May có cái món dân ca, ví giặm sức khỏe của tôi mới được như ngày hôm nay”, cụ Cẩm mở đầu câu chuyện kiểu nửa đùa nửa thật.
"Thế rồi những người chồng, người cha cứ mắng sa sả vào mặt tôi là đồ này, đồ nọ, dân ca không nuôi sống được cái dạ dày… làm tim tôi đau nhói”.
Cụ Cẩm bật khóc
Là con một trong gia đình có mẹ là cô đào đẹp người đẹp nết, hát chèo kiều làm nức lòng bao chàng trai làng trên xóm dưới. Tuổi thơ của Cẩm lớn lên dưới bầu sữa mẹ hòa lẫn những câu dân ca mê hoặc lòng người. “Sau này lớn lên, nghe mẹ kể ngày xưa nếu không hát chèo kiều là tôi cứ khóc ré lên làm hàng xóm trở mình. Có lẽ cái chất dân ca nó ngấm từ máu mẹ truyền sang tôi”, cụ Cẩm bộc bạch.
Như đoán ra cái nghiệp cầm ca đa đoan, mẹ Cẩm nhiều lần ngăn cấm con trai suốt ngày không chú ý học chữ mà cứ bắt mẹ phải đọc cho Cẩm chép các làn điệu dân ca, ví giặm. Ngăn cấm có, đánh chửi có, thế nhưng vẫn không ngăn cản được niềm đam mê của con trẻ.
Những ngày tháng học ở trường làng, Trần Khánh Cẩm luôn được thầy cô bạn bè tin tưởng giao phụ trách mảng văn nghệ, ca hát. Nhiều thầy cô dạy Cẩm cũng ngờ ngợ khi đứa trẻ chưa đầy 10 tuổi lại bày ra nhiều chiêu trò hát chèo, hát ví, đối đáp với những vở diễn làm cả sân trường cười vỡ bụng.
Tiếng lành đồn xa, 17 tuổi, Khánh Cẩm được được Ty Văn hóa Hà Tĩnh đưa về tham gia Đội tuyên truyền văn hóa lưu động tỉnh. Đây là thời gian Trần Khánh Cẩm được thể hiện năng khiếu yêu thích của mình. Nhiều tiết mục hát đối do Cẩm dàn dựng làm hàng ngàn chiến sỹ trên các trận địa cười ngả nghiêng quên hết mệt nhọc sau những trận pháo sinh tử. Năm 1968, mẹ mất, Cẩm xin nghỉ hẳn về quê tang mẹ và lo cho gia đình trước những trận bom hủy diệt của đế quốc.
Khi chiếc khăn tang trên đầu chưa ngả màu, người ta lại thấy Cẩm lạch cạnh mò mẫm đi đâu đó vài ngày. Sau đó xuất hiện ở nhà cả tuần cửa đóng then cài chong đèn thâu đêm suốt sáng viết, hát, viết như kẻ tâm thần.
“Trước linh cữu mẹ, tôi tự hứa với bà, thôi không làm gì nên nghiệp cũng phải có cái gì đó để lại cho con cháu đời sau”, cụ Cẩm tâm sự. Hàng trăm vở diễn, ca khúc, hoạt cảnh, kịch, tấu, hò, thơ, ca do ông sáng tác đoạt những giải thưởng lớn từ Trung ương cho tới địa phương. Trong đó có những ca khúc được thu vào đĩa “Đẹp mãi Kỳ Anh” , tiết mục Hò, Ví giặm “Đố Vui”…
Niềm đam mê không già
Để có được hàng trăm làn điệu, hoạt cảnh, tấu, hò… gói gọn trong những tập giấy đồ sộ dựng ngăn nắp trong căn phòng ẩm thấp là công sức có máu và nước mắt của cụ già Cẩm. Ít ai ngờ rằng, một cụ già không lương, không chế độ phụ cấp lại suốt ngày cọc cạch trên chiếc xe đạp ngang dọc khắp nơi chỉ để sưu tầm những câu ca cổ của những người cao niên ở mọi miền quê.
Cho đến bây giờ cụ Cẩm vẫn nhớ như in một lần vào năm 1976, nghe mọi người kháo nhau ở một số xã miền thượng của Kỳ Anh có bài hò và ví rất hay mỗi khi xay lúa. Thế là Trần Khánh Cẩm lại lên đường. Gần 100km cuốc bộ vượt hàng chục ngả đường đang nhuốm máu bom đạn để đến gặp người dân.
Sau ba ngày đêm mần mò giã gạo cùng thôn nữ, Cẩm lận lưng được một số câu hò, ví mà theo ông đó là những tài sản vô giá. “Cái dân ca, ví dặm không phải cứ lao đến rồi chép lấy chép để đưa về đọc thuộc là được. Phải sinh hoạt, lao động cùng người dân, xem họ vừa làm vừa hát. Khi đó cái chất cổ của từng làn điệu mới quý, mới lạ”, cụ Cẩm giải thích.
Không chỉ lên rừng, Trần Khánh Cẩm còn là một ngư phủ khi xuống các xã vùng biển Kỳ Xuân, Kỳ Ninh, Khang để sưu tầm các làn điệu của người dân làm nghề biển. “Dù chưa một lần bước lên thuyền nhưng tôi vẫn xin người dân lên thuyền ra biển thả lưới cùng họ. Chính trong lao động mệt nhọc, những câu hò, làn điệu lạ mới được thốt ra”, cụ Cẩm tâm sự. Không giấu được đam mê, vừa nói dứt lời, cụ Cẩm lại ngân lên: Ơ…bây giờ biển lặng trời yên/ Bà con đẩy nốc đẩy thuyền ra khơi…
Trước lúc chia tay, cụ Cẩm cầm tay tôi nói: “Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được công nhận Di sản văn hóa Quốc Gia. Điều này không biết nên mừng hay lo? Giờ thấy nhiều cháu chưa đầy 30 tuổi vừa tham gia vài buổi hát, hò thi thố của các phong trào đều được công nhận nghệ nhân cả. Tôi cũng vừa được công nhận nghệ nhân đấy. Xin đừng gọi tôi là nghệ nhân, cứ gọi cụ Cẩm dân ca cho nhẹ nhàng vậy”.
Của ai phân định làm chi
Gần 80 tuổi nhưng giọng hát của cụ Trần Khánh Cẩm vẫn làm say đắm lòng người với âm thanh trong trẻo và vút cao.
Ảnh: Minh Thùy
Để thỏa niềm đam mê, năm 2010, Trần Khánh Cẩm thành lập CLB dân ca Kỳ Anh do mình làm chủ nhiệm, với vẻn vẹn 6 thành viên. Căn nhà ẩm thấp của cụ chính là trụ sở sinh hoạt của CLB. “Buồn lắm chú ơi. Thân già này sức đã kiệt rồi, cái việc mình làm cả đời rồi sẽ mai một nay mai”, cụ Cẩm buồn buồn nói.
Theo cụ, giờ về các làng quê, thanh niên đua nhau hát, nhảy cái nhạc ỉ ôi, xập xình gì gì đó. Họa hoằn lắm mới tìm kiếm được một vài cháu nhỏ có chất giọng dân ca để đào tạo. Thế rồi, mấy năm trời luyện thanh, ngắt nhịp, khi các cháu bắt đầu trưởng thành lại bỏ ngang để mưu sinh với cơm áo gạo tiền.
“Nhiều lần tôi đến nhà các thành viên trong CLB đưa các điệu hò, điệu ví để họ đọc trước. Thế rồi những người chồng, người cha cứ mắng sa sả vào mặt tôi là đồ này, đồ nọ, dân ca không nuôi sống được cái dạ dày… làm tim tôi đau nhói”, cụ Cẩm bật khóc. Nhiều tác phẩm của cụ Cẩm dàn dựng bị nhiều người có tên tuổi ngang nhiên ăn cắp chế biến thành của riêng đưa đi thi đoạt nhiều giải thưởng trong nước. Khi phát hiện ra, Trần Khánh Cẩm lại tặc lưỡi “Của ai phân định làm chi/ Cái di sản đó người dân hưởng rồi…
Trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp của nghệ nhân Trần Khánh Cẩm chi chít những bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận từ địa phương tới Trung ương. Năm 2011, nghệ nhân Trần Khánh Cẩm được T.Ư Đoàn TNCS HCM tặng Kỷ niệm chương “Vì thế hệ trẻ” về thành tích đóng góp vào sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ và xây dựng tổ chức Đoàn.
Người Kỳ Anh