NÓNG: CHINA STEEL THOÁI VỐN, HẠ TỶ LỆ ĐẦU TƯ VÀO FORMOSA HÀ TĨNH TỪ 25% XUỐNG CÒN 10,7%

Sáng nay, Tập đoàn Thép China Steel trụ sở tại Đài Loan đã tuyên bố thoái vốn, hạ tỷ lệ đầu tư ở Formosa Hà Tĩnh từ 25% xuống còn 10,7%. Tin này được chạy title khắp các tờ báo lớn của Đài Loan, và làm xôn xao ngành thép toàn cầu.

Nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh là giấc mơ lớn cuối đời của Vương Vĩnh Khánh. Chính ông già hơn 90 tuổi đã sang Việt Nam, chọn địa điểm Vũng Áng làm đất lành để xây dựng nhà máy. Tuổi cao nhưng tráng chí vẫn bừng bừng, ông đã nhìn ra viễn cảnh: với nền tảng nơi đây, đế chế Formosa lại sẽ tạo ra kỳ tích tuyệt vời ở Đông Nam Á như đã đạt được thành quả ở ngành nhựa.
Công trình động thổ khai công chẳng bao lâu thì Khánh mất. Thế hệ thứ hai của nhà họ Vương quyết tâm tiếp tục sự nghiệp, hoàn thành mộng lớn của cha ông. Không may, nhà máy thép đã liên tiếp gặp phải nhiều lao đao trở ngại.
Trong biến cố bạo loạn bài Hoa tháng 5-2014, nhà xưởng Formosa bị thiêu hủy phần lớn, công nhân xây dựng người Trung quốc đều bỏ về nước gần hết. Trước tình hình khó lòng khôi phục để tiếp tục hoàn thành công trình, Chủ tịch Tập đoàn Nhựa Formosa Vương Văn Uyên đã cầu viện China Steel. Cứu người cũng là cứu mình, vì nếu để Nhật Bản hoặc Hàn quốc mua lại nhà máy thép này thì xem như ngành thép Đài Loan bị chẹn cửa, khó lòng tiến vào thị trường Đông Nam Á, nên China Steel đã quyết định tham gia 5% cổ phần vào dự án nhà máy gang thép Hà Tĩnh.
Lâm Tín Nghĩa do bất đồng quan điểm nên từ chức Chủ tịch. Vương Văn Uyên bèn mời lão tướng Trần Nguyên Thành, Tổng giám đốc Tập đoàn China Steel - tập đoàn đứng hàng thứ 26 trong ngành thép toàn cầu - sang thay. Thành sang Việt Nam, dẫn theo lực lượng chuyên môn hùng hậu, quyết tâm kiến tạo nên nhà máy thép lớn nhất Đông Nam Á ở Việt Nam.
Tin tưởng ở đoàn tinh binh chiến tướng của mình, vào giữa tháng 3-2015, Chiana Steel mạnh dạn tăng thêm cổ phần thành 25%, trở thành cổ đông lớn thứ hai của Formosa Hà Tĩnh.


Cuối tháng 7-2015, JFE Steel (Nhật Bản), tập đoàn đứng thứ 9 ngành thép toàn cầu cũng tham gia 5% cổ phần vào nhà máy thép Vũng Áng.
Với sự liên minh của tam cường châu Á, tưởng chừng không gì ngăn nổi giấc mộng lớn của ba tập đoàn này nữa.
Nhưng người tính không bằng trời tính. Đầu tháng 4 năm nay, sự cố cá chết hàng loạt suốt 200km bờ biển miền trung Việt Nam được chính quyền trút toàn bộ trách nhiệm lên đầu Formosa, và nhà máy thép Hà Tĩnh phải cam kết bồi thường 500 triệu Mỹ kim. Vị lão tướng được cả ba tập đoàn kính nể Trần Nguyên Thành phải đứng ra rạp mình xin lỗi toàn dân Việt Nam trước ống kính truyền hình.
Mất tiền và tổn hại thanh danh chỉ là chuyện nhỏ, tình hình ngày một rối ren mờ mịt mới là chuyện lớn. Sự cố cá chết được các phe phái lưu manh giả danh “dân chủ” khai thác tối đa nhằm tạo tiếng vang. Con cá miền trung chưa rõ chết vì nguyên nhân gì, nhưng nhà máy thép chắc chắn đang chết dần mòn vì nhiễm độc chính trị.
Cho đến nay, dù đã nhận lỗi và cam kết bồi thường, nhưng ngày được phép vận hành sản xuất của nhà máy ngày càng lùi xa, thậm chí việc đó đã trở thành không tưởng trước cơn cuồng nộ buông thả cảm xúc của toàn dân Việt Nam.
Thiệt hại cứ theo đó tăng dần, trở thành gánh nặng quá sức của nhà đầu tư, nên việc China Steel phải thoái vốn cũng là dễ hiểu. Và cả Tập đoàn Nhựa Formosa Đài Loan, không biết sẽ còn đủ sức gồng gánh lỗ lã này thêm bao lâu.
Lê Huy Vinh
Người Kỳ Anh

CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh