Chuyện không đơn giản đằng sau những ưu ái đặc biệt dành Formosa...

Người Kỳ Anh - Người dân Miền trung đang phải vật vã trong khó khăn và lo lắng cho tương lai của con em mình, họ đang lên tiếng yêu cầu khởi tố và chấm dưt hoạt động của công ty Formosa. Khẩu hiệu là : Chúng tôi chọn biển chứ không chọn Formosa ! Đấy cũng là một yêu cầu chính đáng. Yêu cầu này quả sẽ gây khó khăn, không dễ dàng cho lảnh đạo đảng và nhà nước vì nó liên quan đến tầm vĩ mô, nhưng thiết nghĩ đảng và nhà nước cũng nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để xem xét cân nhắc, nên hy sinh cái gì!

Ảnh này chỉ là một khoảnh khắc chụp hôm QH họp, nhưng có lẽ đã lột tả hết bản chất của câu chuyện thảm hoạ này (nguồn VnExpress)

Không đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa

Không phải đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa - Đấy là câu nói ngắn gọn và rõ ràng nhất mà ông Võ Kim Cự, người mang kẻ hủy diệt Formosa về tàn phá Miền Trung trả lời báo chí sau mấy tháng im hơi lặng tiếng trước thảm họa.
" Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép."...

Đúng quy trình đến thế là cùng.

Qủa bóng trách nhiệm đã được ông Võ Kim Cự chuyền một cách chính xác sang cho tập thể lảnh đạo cao nhất của đảng và chính phủ. Ai còn giám đòi hỏi và ai còn đủ quyền hành để đi tìm sự thật về Võ Kim Cự và Formosa ?

Xem thêm bài: CỰ TUYỆT!

Cứ tưởng trước những tai ương và đau khổ mà Công ty Formosa gây ra cho quê hương Miền trung, là những người tử tế và có lòng tự trọng thì ông tổng bí thư và ông Võ Kim Cự ít nhất cũng có một lời xin lỗi và chia sẽ để làm dịu nỗi đau với người dân, cho dù đấy cũng chỉ là hình thức, nhưng điều tối thiểu đó đã không xảy ra. Chúng tôi không thể nào hiểu nổi.

Báo chí thời gian vừa qua rộ lên việc lấy lí do ông Cự ký cấp phép cho Formosa thuê đất 70 năm thay vì 50 năm theo luật định là sai nhằm quy trách nhiệm cho ông. Chúng tôi cho rằng đấy chỉ là một phần, không phải là lý do chính để đặt vấn đề trách nhiệm cá nhân. Cũng không phải lý do ông Cự đưa Formosa về Khu công nghiệp Vũng Áng là có tội..Bất cứ ai kêu gọi được các nhà đầu tư về phát triễn sản xuất, kinh doanh trên khu công nghiệp Vũng Áng đều phải được ghi nhận công lao. Gỉa dụ Formosa là một công ty có trách nhiệm, có công nghệ tốt, đảm bảo tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến môi trường nói chung, chấp hành đúng luật pháp Việt Nam...thì thời hạn 70 hay 100 năm cũng không phải là vấn đề, bởi nó chỉ mang lại lợi ích cho cả nhà đầu tư và người dân sở tại, nó tạo công ăn việc làm, đóng thuế đầy đủ tạo phúc lợi xã hội....

Nhưng Formosa đã không phải và không làm được như vậy, họ đã gây ra thảm họa cực kỳ to lớn, không phải chỉ môi trường biển mà còn là môi trường kinh tế, xã hội nói chung, không chỉ trước mắt mà còn rất lâu dài, không chỉ đơn thuần kinh tế, việc làm của ngư dân 4 tỉnh miền trung mà còn liên quan đến sức khỏe của nòi giống và an ninh quốc gia, điều này là không thể chấp nhận và tha thứ được, cần phải xử lý hình sự một cách nghiêm khắc.

Bài viết này không bàn về Formosa và hậu quả của thảm họa, điều đó thì ai cũng đã biết. Chúng tôi muốn nêu lên quan điểm của mình về những nguyên nhân sâu xa liên quan đến sự quản lý của đội ngũ quan chức Hà Tĩnh mà người đứng đầu là ông Võ Kim Cự, người góp phần gián tiếp dẫn đến thảm họa vừa xảy ra và thử lý giải xem đằng sau những quyết định, những văn bản chỉ đạo, những sự giúp đỡ, ưu ái đặc biệt dành cho Formosa là gì ?

Vũng Áng, Đèo Ngang là một vùng quê nghèo khó nhưng yên bình và huyện Kỳ Anh nói chung cũng vậy, xưa nay chưa bao giờ được coi là miền đất trù phú, nhưng người dân Kỳ Anh luôn đoàn kết, chia sẻ và cùng nhau vượt qua mọi chông gai thử thách một cách kiên cường.Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường chúng tôi đã nghe phong phanh về việc Vũng Áng sẽ được hình thành một cảng biển, nhưng phải đến hàng chục năm sau, khi đã hai thứ tóc trên đầu chúng tôi mới chứng kiến được sự ra đời của cảng Vũng Áng, bao nhiêu niềm vui và hy vọng cho quê hương của người Kỳ Anh vỡ òa.Thế mà, than ôi ! niềm vui chưa kịp lắng xuống thì nỗi đau đã dâng tràn.

Không phải đến khi xảy ra thảm họa chúng tôi mới nhận ra, mà từ trước đó, khi dự án Formosa được cấp phép và hàng ngàn hàng vạn công nhân Trung Quốc xuất hiện rầm rộ trên công trường chúng tôi đã cảnh báo về những bất ổn sẽ đến với người dân Kỳ Anh, chỉ tiếc là lời nói gió bay, không vào được tai các vị quan chức đương quyền...

Chúng tôi là những người hay thắp đèn chạy trước ô tô.Khi nghe tin tập đoàn Lilama quyết định xây dựng nhà máy nhiệt điện ở Khu công nghiệp Vũng Áng, gặp gỡ những người bạn đang là quan chức trong huyện chúng tôi đã thẳng thắn bày tỏ lo lắng, bởi biết nhà máy nhiệt điện nhất định sẽ xả khói than làm ô nhiễm môi trường trong lành, làm ảnh hưởng sức khỏe của người dân, bởi ngày nay thế giới đã loại bỏ, không còn ai phát triễn nhiệt điện nữa, nhưng họ đều cho là chúng tôi lo bò trắng răng. Khi huyện Kỳ Anh ồ ạt giải phóng mặt bằng, thu hồi đất của nông dân, những người nông dân chân lấm tay bùn nghèo khó bổng nhiên có được một khoản tiền lớn do bán rẻ đất ông cha, chúng tôi cũng đã cảnh báo sự bất ổn trong đời sống xã hội sẽ phát sinh bởi bản thân chính quyền chưa chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần và đủ cho một sự dịch chuyển, thay đổi lớn như vậy, họ lại cho chúng tôi hay lo xa, thiếu thực tế...

Khi tỉnh Hà Tĩnh mới đưa ra kế hoạch chia Kỳ Anh ra làm hai, thành lập thị xã mới chúng tôi đã kịch liệt phản đối, viết nhiều bài báo, thư ngỏ phân tích lợi hại, cùng các vị cựu quan chức, cựu chiến binh, các trí thức con em Kỳ Anh ở trong và ngoài nước kiến nghị lên cả quốc hội, chính phủ...nhưng cuối cùng chính quyền Hà Tĩnh, dưới sự chỉ đạo của ông Võ Kim Cự cũng tìm mọi cách thực hiện bằng được việc chia tách huyện, làm xáo trộn cuộc sống và niềm tin của người dân. Sở dĩ chúng tôi phản đối là vì chúng tôi cũng như người dân Kỳ Anh không muốn nhân dân trong cùng một huyện hàng trăm năm gắn bó, chia bùi sẽ ngọt cùng nhau, nay kinh tế vừa nâng cao một chút thì phải chia cắt làm hai mảnh, và vì chúng tôi biết dự án chia tách này chưa có sự chuẩn bị chu đáo của chính quyền và chưa có sự đồng thuận của người dân.

Thông thường khi muốn thành lập một khu hành chính, khu dân cư mới chính quyền phải hình thành được một dự án quy hoạch tổng thể, có bệnh viện, trường học, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại...Nhưng Kỳ Anh trên thực tế chưa có bất cứ sự chuẩn bị nào ngoài các mệnh lệnh và quyết định trên giấy. Lúc đầu họ thông cáo ý định đặt thị trấn mới ở xã Kỳ Trung, một xã miền núi xa cách các khu dân cư hiện hữu đông người, sau nghe nhiều người phản đối, không đồng tình thì họ lại quyết định đưa về xã Kỳ Đồng, điều đó khẳng định rằng chưa hề có một sự chuẩn bị tinh thần và cơ sở vật chất nào cho việc hình thành thị trấn mới của huyện Kỳ Anh. Chưa có văn phòng ủy ban, chưa có trụ sở đảng và chính quyền. Không có bất cứ buổi ra mắt thành lập thị xã mới nào, ngoài một cuộc họp nội bộ của các quan chức trong huyện, người của UBND tỉnh về đọc quyết định chia tách huyện, thành lập thị xã mới, quyết định nhân sự lảnh đạo... Và ngay ngày hôm sau các quan chức UBND huyện Kỳ Anh chuyển ra một ngôi trường cấp 1 ở xã Kỳ Đồng làm trụ sở tạm.( Thông tin này cần kiểm chứng vì chúng tôi chỉ nghe những người bạn học đang sống tại quê nhà nói lại, chứ không có điều kiện nắm được thực tế.) Tất cả cơ sở vật chất, trụ sở, xe cộ của huyện Kỳ Anh cũ để lại cho chính quyền thị xã Kỳ Anh mới tiếp quản hết, coi như huyện Kỳ Anh trắng tay phải bắt đầu lại từ con số không, vì mọi nguồn lợi, kết quả thu được từ trước mà khu công nghiệp Vũng Áng và các cơ sở công nghiệp, thương mại mang lại đều thuộc về thị xã Kỳ Anh. Một câu hỏi đặt ra, điều gì làm chính quyền Hà Tĩnh sốt sắng chia tách bằng được Kỳ Anh trong lúc chưa có bất cứ sự chuẩn bị cơ sở vật chất nào ?

Lúc đầu theo chúng tôi được biết thì công ty Formosa chỉ xin phép thành lập nhà máy luyện cán thép 8 tỷ $, nhưng sau khi chính thức có giấy phép Formosa lại xin đầu tư xây dựng tiếp cảng biển, rồi sau đó tiếp tục xin nâng nhà máy gang thép lên 20 tỷ $ với hàng ngàn ha đất, chiếm gần 1/3 diện tích thị xã Kỳ Anh, rồi lại xin thành lập đặc khu kinh tế, rồi xin xây miếu thờ, rồi xin ưu đãi mọi thứ, hết cái này đến cái khác, bất cứ Formosa xin cái gì cũng điều được chính quyền Hà Tĩnh, đứng đầu là Võ Kim Cự đáp ứng rất nhanh chóng...

Điều này cũng đặt ra câu hỏi: Vì lý do gì mà Formosa được chính quyền Hà Tĩnh ưu ái đến thế ?
Thực tế là từ khi có khu công nghiệp cảng Vũng Áng và nhất là khi có nhà máy Formosa, từ đồng tiền đền bù giải tỏa, đời sống của một bộ phận người dân Kỳ Anh được nâng lên rõ rệt, một bộ phận quan chức và người buôn bán, hoạt động kinh doanh trở nên giàu có, đấy là điều đáng mừng, nhưng đồng thời những cảnh báo trước đây của chúng tôi cũng đã thành sự thật, không sai cái nào. Về Kỳ Anh thấy người dân ca thán lúc nào cũng hứng chịu cảnh khói bụi, nhà cửa thì mạnh ai nấy xây không theo quy hoạch, quy chuẩn nào, không có nổi một trung tâm thương mại nào ra hồn, chợ mới do tư nhân xây nên, chính quyền cưỡng ép tiểu thương bỏ chợ cũ để vào nhưng không ai chịu vào kinh doanh trong chợ, đất chợ cũ bị phá bỏ hoang chưa biết làm gì, siêu thị xây xong không có khách, đời sống văn hóa, tâm linh không có gì ngoài ngôi chùa bà Nguyễn Thị Bích Châu ở Kỳ Ninh, giá cả rau củ, thịt cá đều leo thang, cao hơn nơi khác, sự chênh lệch giàu nghèo quá lớn làm cho đời sống người dân trở nên khó khăn hơn, thanh niên không có việc làm chơi bời, hút chích, trôm cướp, đĩ điếm, đạo đức xuống cấp, xã hội bất an, Kỳ Anh bây giờ trở nên xơ xác.

Cầu gỗ Kỳ Thịnh
Xem thêm bài: Phường Kỳ Thịnh: Đổ đường nhựa về nhà chủ tịch, để dân đi cầu gỗ mục nát -  một hậu quả khác ít được nhắc đến của Formosa

Vậy Kỳ Anh được gì, mất gì từ khi có Formosa ?

Câu hỏi này chỉ người dân đang sống ở Kỳ Anh mới có câu trả lời thỏa đáng.

Trước khi sự cố môi trường ở Kỳ Anh xảy ra, lúc chúng tôi thẳng thắn góp ý, bày tỏ sự lo ngại cho tương lai của quê hương mình, phê phán cách quản lý độc tài của ông Võ Kim Cự thì nhiều người đồng tình, nhưng cũng có một số cán bộ đảng viên, những viên chức đang hưởng lợi từ Formosa và những người giàu có ở Kỳ Anh phản đối, thậm chí chữi chúng tôi là phá rối, phản động, là thế lực thù địch vv. Khi họ có tiền, có quyền họ chỉ biết bảo vệ lợi ích của họ và thõa mãn với những gì họ thu được chứ không ai nghĩ đến hậu quả chung của sự phát triễn lệch lạc làm băng hoại cả một miền quê yên bình, một xứ nhân văn mà bao đời nay ông cha để lại. Chúng tôi hiêu cần có những đột phá, kiến tạo, mạo hiểm, để phát triễn kinh tế, nâng cao đời sống của người dân, làm giàu cho quê hương. Nhưng những điều ấy phải được trao cho những người có đủ dũng khí, giám nghĩ, giám làm, giám chịu trách nhiệm và có tâm với quê hương chứ không phải trao vào tay của những kẻ cơ hội, dốt nát, bảo thủ và hèn nhát.

Tất cả mọi sự đổi thay trên mảnh đất Kỳ Anh từ khi Formosa hiện diện đến khi sự cố môi trường xảy ra đều ở trong thời kỳ ông Võ Kim Cự nắm mọi quyền hành và quyết định. Kỳ Anh nói riêng và Hà Tĩnh nói chung không chỉ có Formosa mà còn có nhiều cái khác cũng đang cần được làm sáng tỏ trong cùng thời kỳ đó, như nhà máy thép Vạn Lợi hàng trăm tỷ đang thành đống sắt vụn ở Vũng Áng, nhà máy nước khu công nghiệp Vũng Áng đội vốn hơn 2500 tỷ đang được thanh tra chính phủ xem xét, công trình văn miếu không biết thờ ai hàng trăm tỷ đồng dở dang ở thành phố Hà Tĩnh, mỏ sắt Thạch Khê đang thành bãi hoang, nghĩa trang Vĩnh hằng tai tiếng ở Thạch Hà... Trong thời gian từ khi làm trưởng ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng, rồi chủ tịch UBND tỉnh, rồi lên bí thư tỉnh Hà Tĩnh ông Võ Kim Cự đã làm được gì cho Hà Tĩnh, nhân dân Hà Tĩnh đều biết. Ông Cự được cho là một người quyết đoán, giám nghĩ giám làm, nhưng cũng là một người độc đoán, làm theo ý mình, dưới quyền điều hành của ông Cự các tổ chức chính trị, tham mưu, cấp dưới đều trở thành con rối, làm theo mệnh lệnh, dân chủ cơ sở chỉ có trên giấy tờ, hình thức, mọi sự đấu tranh phê bình bị triệt tiêu.Đấy là nhận xét chung của nhiều người dân Kỳ Anh, bạn bè của chúng tôi, các cựu quan chức và những cán bộ hưu trí chúng tôi quen biết, gặp gỡ trên quê hương Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Trong bất cứ chế độ xã hội nào thì người có công cũng được thưởng, có tội hoặc sai phạm đều bị xử lý. Muốn xã hội công bằng thì luật pháp phải được tôn trọng nghiêm minh. Chúng tôi không có ý và cũng không có quyền hành gì để kết luận đúng sai liên quan đến sự lảnh đạo của ông Võ Kim Cự, nhưng rõ ràng, trong quá trình cấp phép và ban phát rất nhiều ưu đãi cho công ty Formosa , cách quản lý lỏng lẽo, thiếu trách nhiệm kiểm tra giám sát, dẫn đến thảm họa môi trường vừa qua của Formosa, trực tiếp hay gián tiếp đều có bóng dáng trách nhiệm của ông Võ Kim Cự, không thể nói trước đó mấy tháng ông Cự đã ra trung ương rồi thì không còn liên quan.

Sau khi sự cố nghiêm trọng về môi trường xảy ra, là người trong cuộc, gián tiếp liên quan đến quá trình xây dựng và hoạt động của Formosa đáng lẽ ông Cự phải là người đầu tiên đứng ra xin lỗi và chia sẻ những tổn thất với người dân Kỳ Anh và ngư dân 4 tỉnh miền trung, nhưng ông đã im hơi lặng tiếng, trốn tránh báo chí, nhằm mục đích tập trung dành phiếu vào cho được quốc hội. Khi trở thành đại biểu quốc hội, không thể im lặng được nữa, ông đá quả bóng trách nhiệm lên các lảnh đạo, cơ quan cấp cao hơn để trốn tránh trách nhiệm của mình.Điều đó là không thể chấp nhận được.
Cá nhân, tổ chức nào ngoài Formosa phải chịu trách nhiệm liên đới về thảm họa môi trường biển Miền trung ? Đó là công việc phải làm sáng tỏ của các cơ quan chức năng. Nhưng trước hết người dân Miền trung, nhất là nhân dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh yêu cầu ông Võ Kim Cự phải từ nhiệm và xin lỗi người dân, phải chịu trách nhiệm cùng với Fomosa. Chúng tôi nghĩ đấy là một yêu cầu chính đáng, và ông Cự nên làm thế nếu còn có lòng tự trọng.

Chọn nhân dân hay chọn Formosa?
Người dân Miền trung đang phải vật vã trong khó khăn và lo lắng cho tương lai của con em mình, họ đang lên tiếng yêu cầu khởi tố và chấm dưt hoạt động của công ty Formosa. Khẩu hiệu là : Chúng tôi chọn biển chứ không chọn Formosa ! Đấy cũng là một yêu cầu chính đáng. Yêu cầu này quả sẽ gây khó khăn, không dễ dàng cho lảnh đạo đảng và nhà nước vì nó liên quan đến tầm vĩ mô, nhưng thiết nghĩ đảng và nhà nước cũng nên lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để xem xét cân nhắc, nên hy sinh cái gì.Theo chúng tôi thì sự lo lắng của người dân là hoàn toàn đúng, bởi không có cơ sở nào để khẳng định chắc chắn rằng một thảm họa tương tự sẽ không xảy ra trong quá trình 70 năm hoạt động của Formosa. Gỉa sử rằng Formosa có thể thực hiện được lời hứa của mình, thì người dân cũng cứ phải sống nơm nớp lo sợ, bất an trong suốt 70 năm đó, và nếu đến năm thứ 69 xảy ra một sự cố nữa thì chúng ta sẽ làm gì ? Đấy là chưa nói đến sự tồn tại của Formosa ở một địa điểm nhạy cảm Vũng Áng-Đèo Ngang sẽ ảnh hưởng thế nào đến an ninh, quốc phòng của đất nước.

Chúng tôi không muốn nghĩ đến điều xấu nhất, nhưng cái gì cũng có thể xẩy ra.Ngay cả thảm họa vừa xảy ra thì trước đó cũng không ai nghĩ tới. Chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải xem ý dân là ý đảng chứ không phải ngược lại thì đất nước mới yên bình được.Lòng dân mới hòa với ý đảng được. Mong lắm thay.
Nguyễn Xuân Lộc,
Sài Gòn, 10/9/2016
Người Kỳ Anh

CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh