Buông câu Mực nháy trên biển Vũng Áng (Kỳ Anh - Hà Tĩnh)



(Người Kỳ Anh) Mấy năm gần đây, Vũng Áng không chỉ nổi tiếng bởi hàng loạt công trình, dự án tầm cỡ quốc gia và khu vực đang được triển khai...


Hoàng hôn dần buông, ánh rẽ quạt chiếu hắt lên phía chân trời những tia nắng hồng in bóng xuống mặt biển trong ráng chiều nhạt dần. Từ cảng biển Vũng Áng, đoàn thuyền câu mực chòng chành nhổ neo, nhẹ nhàng rẽ nước ra khơi. Ôm theo túi đồ nghề lỉnh kỉnh, tôi theo chân ông chủ thuyền tốt tính Chu Văn Ngân - một lão ngư dạn dày sóng nước ở thôn Hải Phong, xã Kỳ Lợi - nhập vào đoàn quân câu mực.

Gió biển buổi hoàng hôn mơn man con sóng nhỏ, con thuyền trườn mình lướt sóng bỏ lại bến bờ, lao nhanh về phía biển khơi. Chừng ba mươi phút sau, lão ngư thả neo, châm đèn măng-sông, buông câu.., hoà cùng hàng trăm chiếc thuyền câu mực nhấp nháy ánh đèn kết thành cánh cung hoa đăng khổng lồ ôm lấy bờ bãi nhấp nhô ánh điện phía xa xa. Cách chỗ chúng tôi vài chục hải lý, hướng đông, hàng trăm ngọn đèn nhấp nháy như một thành phố trên mặt biển. Đó là những chiếc thuyền lớn đánh bắt xa bờ.

“Khu vực này cách bờ non ba cây số, là khoảng cách khá xa so với dân đi câu mực nháy. Mùa câu mực của ngư dân thường kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 hằng năm, nhưng chỉ có vài tháng giữa mùa hè mực “áp bờ”, khi ấy chỉ cần buông câu ngay cảng biển Vũng Áng đã có mực cắn mồi” – mắt không rời khỏi dãy phao câu, ông Ngân bắt đầu câu chuyện.

Buông câu mực nháy trên biển Vũng Áng

Với thâm niên gần 20 năm lăn lộn giữa sóng gió biển khơi, ông Ngân hiểu biển Vũng Áng như một nhà hải dương học. Ông cho biết, Vũng Áng là cảng nước sâu được bao bọc bởi những dãy núi dài, biển ở đây ăn sâu vào đất liền, ít có sóng to, độ mặn cao nên loài mực thường vào sát bờ tránh sóng, sinh sản. Từ ngày tóc còn để chỏm, ông Ngân vẫn thường theo cụ thân sinh đi câu mực trên những chiếc thuyền nan.

“Chim gió cá nước, con mực con cá thường lên ăn theo con nước, ngày trăng. Thời điểm trăng gần lên hoặc trăng sắp lặn, mực lên ăn nhiều, buông câu vào thời điểm đó là thượng sách. Ngày trước, mực câu được ngư dân cho vào khoang thuyền, chỉ trong chốc lát là chết ểnh bụng. Dăm năm nay, nhất là từ ngày Vũng Áng được chọn xây dựng khu công nghiệp lớn, du khách về với cảng biển ngày một đông, kéo theo các dịch vụ ăn theo có đà phát triển, đặc biệt là đặc sản “mực nháy” ở đây ngày càng nức lòng du khách gần xa, nghề câu mực nháy cũng ra đời từ đó và ngày càng ăn nên làm ra…” – ông Ngân cho biết.


Các loại hải sản được nuôi sống trong lồng lưới dưới các bè nổi.

Ngọn đèn măng sông sáng bừng lên, soi tỏ một vùng rộng lớn. Tôi ngồi bên mạn thuyền, làm động tác giật dây, thu cước. Dưới làn nước trong xanh, chợt xuất hiện đàn mực ống gần chục con. Loài mực sống quanh quẩn ở vùng biển Vũng Áng nhiều lần thoát khỏi sự săn đuổi của cư dân sông nước, cứ lởn vởn dưới ánh đèn. Dãy phao câu được cha con ông Ngân chăng kín xung quanh chiếc thuyền chợt nhấp nháy. Một tay nâng nhẹ dây câu, một tay khéo léo luồn chiếc vợt xuống nước ôm trọn con mồi đang dính chặt hai chú mực, ông Ngân kéo chiếc vợt lên khỏi mặt nước. Dưới ánh đèn măng-sông, hai chú mực giãy nhẹ, trên mình lấp lánh những đốm sáng như ánh lân tinh đa sắc. Hai chú mực nhanh chóng được thả vào chiếc lồng làm bằng lưới treo sẵn phía sau thuyền.

“Nhiều người gọi là “mực nhảy” cốt hấp dẫn người nghe, thực ra, mực bắt lên bờ sẽ chết trong phút chốc, làm chi nhảy được. Phải gọi là “mực nháy” mới chính xác, bởi khi mới bắt lên, hoặc vừa chết, tức mực còn tươi, mình con mực trong suốt, làn da lúc nào cũng nhấp nháy các đốm lân tinh. Gọi như thế cũng là để phân biệt với mực ươn, mực đã chết lâu, sẽ trắng bợt và không có những ánh lân tinh nhấp nháy. Để có “mực nháy” phục vụ du khách ở cảng biển Vũng Áng, ngư dân sáng tạo ra những lồng nuôi kéo theo thuyền thả xuống biển như thế này để duy trì sự sống cho mực…” – ông Ngân giải thích về thứ đặc sản nổi tiếng của Vũng Áng.

Câu mực không cần lưỡi câu và con mồi giống như đi câu các loài hải sản khác. Bộ đồ câu mực của cha con ông Ngân rất đơn giản, gồm một khuôn ròng rọc bằng sợi dây cước dài chừng 20m, cứ 2,5m gắn một “con mồi”, ngư dân thường gọi là thẻ câu. Thẻ làm bằng các mẩu vải xanh-đỏ-tím-vàng nhiều màu để dễ bắt ánh đèn, được kết thành hình con tôm hay con cào cào. Bị kích thích bởi chiếc thẻ câu lấp lánh sắc màu dưới ánh đèn măng- sông, mực sẽ bám vào, ôm chặt lấy thẻ câu như ôm một con mồi. Lúc đó, người đánh thẻ một tay giật thẻ, một tay cầm vợt sẵn sàng xúc những chú mực theo mồi ngoi lên sát mặt nước thả vào chiếc lồng lúc nào cũng mở nắp sẵn sàng phía đuôi thuyền.


“Từ ngày dịch vụ “mực nháy” Vũng Áng nở rộ, dân biển trong vùng nhà nhà sắm thuyền câu mực. Thu nhập từ nghề câu mực nháy khó có nghề nào sánh bằng. Mỗi cân mực ướp đá đánh bắt xa bờ hiện có giá bán từ 70-80 ngàn đồng, trong khi mỗi cân mực nháy (khoảng 25 con) giá bán từ 250-300 ngàn đồng. Nếu gặp hôm thời tiết đẹp, mỗi thuyền câu 2 người câu được 2,5-3kg mực nháy, gặp buổi xấu trời cũng được vài ba chục con, mỗi con 10 ngàn, đếm mực lấy tiền” – ông Ngân tỏ ra thú vị vì nghề câu mực gia truyền của mình ngày càng có đất làm ăn.

Mãi dõi theo những chú mực vờn mồi và cánh tay lão ngư điêu luyện như một nghệ sĩ xiếc biểu diễn mỗi khi đưa vợt vớt những chú mực đang phun mực đen sì lên khỏi mặt nước, tôi không nghĩ mình đã có gần 5 giờ đồng hồ dập dềnh giữa sóng nước biển khơi. Đành tiếc nuối chia tay cha con lão ngư, tôi theo chiếc thuyền của một thương lái vừa ghé mạn thuyền ông Ngân “gom mực”, trở về cảng biển Vũng Áng.

Mực nháy - đặc sản của cảng biển Vũng Áng!

Chủ của chiếc thuyền buôn là anh Võ Văn Đàn - chủ bè mực nháy Đàn Tuyết ở cảng Vũng Áng. Câu chuyện của tôi với anh Đàn lại xoay quanh con mực nháy. Theo anh Đàn, mực nháy có nhiều cách chế biến. Mực luộc kẹp lá lốt chấm với mù tạt hoặc nước mắm gừng, nhắm với rượu đế là cách ăn thông dụng nhất. Mực nướng cầu kỳ hơn nhưng cũng khoái khẩu hơn. Con mực tươi rói nướng lên vừa thơm, vừa giòn vừa ngọt chấm với tương ớt cùng muối tiêu pha chanh chẳng có món gì bằng. Còn món mực tái chỉ có dân nhậu sành ăn hay dùng. Con mực sống vừa bắt lên khỏi mặt nước, bỏ hết nội tạng, thái miếng, vắt chanh vào ướp một lúc. Sau đó, gắp miếng mực tươi cong chấm vào chén mù tạt cay xực mùi hạt cải... rồi nhấp ngụm rượu đế cay nồng thực quản, bạn sẽ cảm thấy tiêu tan tất cả những bộn bề của cuộc sống thường nhật, chỉ còn ta với biển với trời.

Anh Đàn cho biết, thường vào chính mùa mực, dân câu được nhiều, đem vào bán tận bè. Còn mùa này, mực câu được ít, các chủ bè phải ra tận nơi gom mực mà vẫn thường xuyên bị “cháy hàng” vì nhu cầu thực khách quá lớn. Đặc biệt thời gian gần đây, Công ty vận tải hành khách Hà Tĩnh mở tuyến xe buýt Hà Tĩnh – Vũng Áng nên du khách đến với cảng biển ngày một đông. Trung bình mỗi ngày, chiếc bè nổi của anh Đàn tiêu thụ 20-30kg mực nháy. Dịp nghỉ lễ 30-4 vừa rồi, mực nháy không có để bán, bè của anh chỉ phục vụ du khách các loại hải sản nhốt lồng như tôm hùm, cua biển, cá mú, cá bớp.., mà doanh thu mỗi ngày vẫn đạt trên 30 triệu đồng.

Thuyền cập cảng Vũng Áng. Ngoài khơi xa, hàng trăm chiếc thuyền vẫn chong đèn, thắp sáng mặt biển như một thành phố kéo dài. Những ngọn đèn đêm trên những chiếc bè nổi giăng kín cảng vẫn thao thức, rực sáng một vùng. Những thực khách cuối ngày vẫn tụm năm tụm bảy trên dãy bè nổi, xì xèo nướng mực trên những bếp than hồng. Dường như họ chưa thoả cơn say bởi nét văn hoá ẩm thực đặc sắc giữa mênh mang sóng biển nằm ngay phía dưới khu đại công nghiệp đang từng ngày mọc lên những ống khói chọc trời.

Người Kỳ Anh


CHIA SẺ NGAY:

BÀI MỚI

 
Copyright © Người Kỳ Anh. Designed by NguoiKyAnh